Vũ khí nào giúp 'chiến tranh tâm lý' ảnh hưởng tới cả trăm nghìn người?

(PLO) -Tiêu điểm của “chiến tranh tâm lý” là chi phối và làm thay đổi nhận thức của con người, xã hội. Do đó, mọi phương tiện đạt được mục tiêu ấy đều có thể trở thành vũ khí của “chiến tranh tâm lý”. 
Nhân viên Sgt. Michael Bautista từ Công ty Điều hành 301 Tâm lý, tờ rơi tay cho một sĩ quan cảnh sát Iraq để tặng cho những người dân địa phương, vào ngày 10/4/2009, tại Baghdad, Iraq. (Nguồn: psywar.org)
Nhân viên Sgt. Michael Bautista từ Công ty Điều hành 301 Tâm lý, tờ rơi tay cho một sĩ quan cảnh sát Iraq để tặng cho những người dân địa phương, vào ngày 10/4/2009, tại Baghdad, Iraq. (Nguồn: psywar.org)

Tuy nhiên, các phương tiện thông tin, trước hết là thông tin đại chúng, được coi là những vũ khí chủ đạo. 

Phát thanh - “vũ khí” linh hoạt

Vai trò to lớn của các phương tiện phát thanh trong “chiến tranh tâm lý” đã được các chuyên gia công khai khẳng định: Nó có thể biến người hiểu biết thành ngu muội vì được thông báo tin sai lạc, hoài nghi mọi chuyện. Để thu hút được người nghe, các đài phương Tây thường tỏ ra "khách quan” và “lương thiện” khi phát thông tin.

Một ví dụ điển hình, Mỹ đã tận dụng tối đa công suất hai đài phát thanh “Tự do” và “châu Âu tự do” để ủng hộ cuộc bạo động phản cách mạng ở Hunggari năm 1956, cuộc nổi loạn chống chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc năm 1968; ra sức công phá nền tảng XHCN ở Ba Lan và Liên Xô.

Nghị viện Mỹ đã cung cấp hàng trăm triệu USD để trả lương cho hai đài trên, đó là chưa kể những khoản trợ cấp khổng lồ để hoàn thiện kỹ thuật, mở rộng các phân nhánh dưới sự bảo trợ bí mật của CIA ở nhiều nước trên thế giới.

Sau này, sự ra đời của đài  tư nhân “Châu Á tự do” nhận tài trợ hàng triệu USD của Quốc hội Mỹ đã tích cực tuyên truyền, bôi nhọ, xuyên tạc hiện trạng của các nước châu Á, mặc dù đã bị hầu hết chính phủ các nước trong vùng ảnh hưởng kịch liệt lên án, nhưng nó vẫn hoạt động. 

Một ví dụ nữa, để thực hiện hành động giúp đỡ người gốc An-ba-ni ở Cô-xô-vô ly khai ra khỏi nước Cộng hòa Xéc-bi thuộc LB Nam Tư, từ năm 1998, Mỹ và NATO sử phương tiện phát thanh “dọn đường” cho chiến dịch quân sự vào tháng 3-1999.

Bằng cách đưa tin về tính tự hào dân tộc và tính độc lập của người An-ba-ni, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của mình, sẵn sàng giải quyết vấn đề xung đột thông qua con đường đàm phán. Ủng hộ và khuyến khích tư tưởng ly khai của người An-ba-ni ở Cô-xô-vô bằng các khẩu hiệu như "yêu cầu dân chủ của An-ba-ni", "quyền tự quyết của người Cô-xô-vô gốc An-ba-ni".

Báo chí - “vũ khí”  cơ bản

Sự phát triển như vũ bão của các phương tiện in ấn ở thế kỷ XIX và đặc biệt vào đầu thế kỷ XX đã tạo ra sự nhảy vọt trong việc tuyên truyền và trong lợi dụng nó để tiến hành “chiến tranh tâm lý”. 

Theo đánh giá của các nhà quân sự thế giới, trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng các chiến dịch “chiến tranh tâm lý” vào loại lớn nhất lịch sử cho đến thời điểm này, nhưng không thu được kết quả mong muốn.

Xin đưa ra một vài thống kê ở lĩnh vực ấn phẩm in: Các cơ sở sản xuất ấn phẩm phục vụ chiến tranh tâm lý của quân đội Sài Gòn mỗi ngày sản xuất 1.000.000 truyền đơn khổ 11x14cm hoặc 100.000 bích chương khổ 44x57cm hoặc 100.000 sách loại tìm hiểu học tập khổ 11x14cm dày 16 trang không xếp đóng hoặc 50.000 quyển khổ 14x22cm dày 16 trang hoặc 5.000 quyển 32 trang in khổ 21x27 cm hoặc 160.000 khẩu hiệu 22x27cm hoặc 50.000 phụ trang báo Tiền Tuyến 2 mặt, hai màu cỡ 44x57cm. 

Theo AP tiết lộ ngày 20/11/1966 thì số truyền đơn mà Mỹ rải xuống miền Bắc Việt Nam đã đủ để cuốn hai vòng đường xích đạo, tức là dài 80.153.184km. Tháng 3/1969, đã rải 713,4 triệu tờ truyền đơn bằng máy bay và rải 3,3 triệu tờ bằng tay. Đến năm 1973, trung bình hàng tháng rải 60 triệu truyền đơn.

Máy bay C130 mỗi lần bay có thể rải được 11 triệu tờ truyền đơn. Trong các truyền đơn ném xuống miền Bắc có nội dung biện hộ cho sự ném bom dã man của Mỹ, kêu gọi nhân dân miền Bắc hãy lánh xa tất cả các mục tiêu quân sự và đường giao thông, giúp đỡ phi công Mỹ bị bắn rơi và hứa thưởng 50 lạng vàng, có chữ ký của Bunker Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.

Chiến tranh tâm lý của Mỹ và liên quân tại I-rắc được thực hiện với quy mô nhỏ hơn so với ở Việt Nam do thời gian cuộc chiến ngắn hơn nhiều, nhưng lại có những kết quả tốt hơn. Tính tổng thể, trong chiến dịch chống I-rắc, Mỹ và đồng minh đã rải 31 triệu tờ truyền đơn, được in ngay trên Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tham chiến. Những tờ truyền đơn với các nội dung khác nhau đã làm lung lay hệ thống phòng thủ của Bát-đa, khiến các đơn vị quân đội I-rắc tan rã hoặc không còn sức chiến đấu.

Các máy bay quân đội Syria đã rải hàng vạn truyền đơn kêu gọi phiến quân ở đông Aleppo hạ vũ khí đầu hàng
Các máy bay quân đội Syria đã rải hàng vạn truyền đơn kêu gọi phiến quân ở đông Aleppo hạ vũ khí đầu hàng

Truyền hình, Internet, điện thoại di động -  vũ khí hữu hiệu

Tuy ra đời ở 2 thời điểm khác nhau, nhưng cả truyền hình và Internet và điện thoại di động đều là những phương tiện đắc lực và hiệu quả nhất để thực hiện các mục đích của “chiến tranh tâm lý”. Bởi loại phương tiện thông tin này dễ tiếp thu nhất ở mọi thời điểm và mọi địa hình, ít bị chi phối bởi ngoại cảnh, rất “hợp khẩu vị” đối với mọi tầng lớp, giới tính, lứa tuổi và ở mọi trình độ khác nhau. Nó “lấp đầy khoảng trống” mà phương tiện truyền thanh, các ấn phẩm in chưa thể khắc phục được. 

Khi Internet xuất hiện, “chiến tranh tâm lý” bước vào không gian ảo, các nước phương Tây thông qua các trang mạng xã hội để thúc đẩy “Cuộc cách mạng màu” và các tổ chức khủng bố cũng thông qua trận địa này để “chiêu binh mã”.

Hiện nay Quân đội Anh đã thành lập Lữ đoàn 77 còn gọi là “lực lượng Facebook” có chức năng tiến hành “chiến tranh tâm lý” trên mạng. Tháng 4/2015, lữ đoàn này đã hoàn thành việc xây dựng lực lượng với tổng quân số gần 1.000 người, trong đó có 440 quân nhân tại ngũ (chiếm 42% tổng biên chế).

Trong “Sách trắng quốc phòng” của Anh còn đề cập đến 5 cơ quan cấp dưới của lực lượng này, bao gồm: Cơ quan chính (Tổng bộ), Ban Vận hành truyền thông, Ban Xây dựng năng lực an ninh, Nhóm Tác chiến chiến tranh tâm lý 15, Ban Chi viện ổn định quân sự (phụ trách duy trì ổn định và cảnh báo sớm nguy cơ). Trong đó, Nhóm Tác chiến chiến tranh tâm lý 15 vốn thuộc Lữ đoàn tình báo số 1, đã từng phát huy vai trò trong cuộc chiến tranh tại Libya.

Mạng xã hội với vai trò là một công cụ để các nước phương Tây tổ chức chiến trường tác chiến, chủ yếu nhằm phát động các cuộc cách mạng màu, nhưng giờ đây nó cũng đã trở thành nơi các tổ chức khủng bố, tiêu biểu là các tổ chức Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo... tuyển dụng lực lượng, tuyên truyền, thậm chí là nơi tác chiến, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các nước khác. Do vậy, Lữ đoàn 77 coi chiến trường tác chiến chủ yếu là mạng xã hội.

Từ đầu thế kỷ 21, Nga đã thành lập lực lượng thông tin mạng có tài năng và rất giỏi, gồm nhiều người có khả năng trong lĩnh vực chiến tranh thông tin, thông qua các thủ đoạn tấn công mạng để triển khai tấn công từ xa, thu thập thông tin tình báo, phòng thủ mạng.... Cùng với việc các nước phương Tây thông qua các trang mạng xã hội phát động cuộc cách mạng màu ở khu vực Đông Âu, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ukraina lan rộng, nhiệm vụ phòng thủ và phản công của lực lượng này ngày càng nặng nề hơn.

Trong những năm qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng mạng xã hội và các trang web để xây dựng, kiểm soát câu chuyện về tổ chức này cho hai luồng đối tượng chính: Phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Các trang mạng này xây dựng hình ảnh cuộc sống “đế chế” Hồi giáo này như một thiên đường với những hình ảnh phụ nữ nấu ăn, tán chuyện, chăm sóc con cái hay uống cà phê với nhau; hoặc hình ảnh những phụ nữ cầm súng, mang những thắt lưng cho việc đánh bom tự sát và cả đầu người.

Chúng tô vẽ hình ảnh các tay súng mạnh mẽ, nam tính, đầy sức hấp dẫn, bằng những đoạn phim hay hình ảnh tương tự như các đoạn trailer phim ảnh. Theo dữ liệu ước đoán của Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ vào tháng 9/2015, có đến 27.000 tài khoản Twitter có cảm tình với IS, 700.000 tài khoản thảo luận về IS. IS hiện có hơn 30.000 thành viên trên toàn cầu...