Vụ khủng bố tại Anh: Gieo sợ hãi cao với… 'công nghệ thấp'

(PLO) - Một đối tượng lái xe lao vào đám đông, một cảnh sát bị đâm chết bằng dao… cuộc tấn công vừa xảy ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 22/3 đã tuân thủ nghiêm mệnh lệnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng: Gieo rắc nỗi sợ hãi tại các quốc gia mà IS cho là kẻ thù với những phương tiện “công nghệ thấp”. 
Khalid Masood, thủ phạm tấn công khủng bố ngoài Quốc hội Anh, bị tiêu diệt
Khalid Masood, thủ phạm tấn công khủng bố ngoài Quốc hội Anh, bị tiêu diệt

Cảnh sát chống khủng bố Anh ngày 25/3 khẳng định, đối tượng Khalid Massod - hung thủ thực hiện vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng gần tòa nhà Quốc hội Anh chiều 22/3 vừa qua, đã hành động một mình. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa tìm ra động cơ của thủ phạm đằng sau vụ tấn công này. 

Hành động kiểu “sói đơn độc”

Trong tuyên bố trước báo giới, Phó Trợ lý Giám đốc Cảnh sát Anh Neil Basu cho biết, nhóm điều tra nhận định tên Masood đã hành động một mình trong vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, ông Basu cho rằng dù phán đoán trên là đúng thì cảnh sát cũng cần phải cung cấp bằng chứng cụ thể để làm yên lòng người dân London, hiện đang rất lo lắng sau vụ tấn công kinh hoàng nói trên. Ông này cũng cho biết cơ quan tình báo hiện chưa phát hiện có thêm các vụ tấn công đã được lên kế hoạch tại Anh. 

Sau vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã thừa nhận đứng sau vụ việc này. Do đó, hiện cảnh sát Anh đang nỗ lực điều tra theo hướng tên Khalid Massod có thể bị phong trào khủng bố kích động hoặc có các đối tượng khác đã ủng hộ và chỉ đạo tên này tiến hành vụ tấn công nói trên. 

Trong khuôn khổ cuộc điều tra toàn diện sau vụ tấn công, cảnh sát đã lục soát nhiều địa điểm tại London và một số thành phố khác tại Anh, theo đó đã bắt giữ 11 đối tượng tình nghi có âm mưu khủng bố. Tuy nhiên, đến ngày 25/3, cảnh sát đã trả tự do 10 đối tượng. 

Trong một thông báo phát đi ngày 24/3, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Anh khẳng định Massod đã giảng dạy tiếng Anh tại Saudi Arabia từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2006 và lại tiếp tục hoạt động này từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2009. Thông báo khẳng định trong thời gian làm việc tại Saudi Arabia, đối tượng Masood không có hành vi đe dọa an ninh và phạm tội. 

Trước đó, cảnh sát London xác nhận hung thủ tên là Masood, 52 tuổi, sinh ra tại Kent, Đông Nam thủ đô London, gần đây đã sinh sống tại khu vực miền Trung nước Anh. Cảnh sát London cho biết Masood không phải đối tượng của bất cứ cuộc điều tra hiện tại nào và không có bất cứ tin tức tình báo nào trước đó về ý định gây ra vụ tấn công của hắn. Tuy nhiên, theo họ, tên này từng có một loạt tiền án, trong đó có tội gây tổn thương nghiêm trọng cho thân thể của người khác, sở hữu vũ khí tấn công và gây rối trật tự công cộng. 

Tờ Daily Mail dẫn lời những bạn học của Massod cho biết thời sinh viên, đối tượng là một sinh viên giỏi, có năng khiếu thể thao và được đánh giá là một người lạc quan. Đối tượng cũng có thời gian 12 năm làm việc cho một công ty cung cấp hóa chất tẩy rửa England.  Chiều 22/3, Massod lao xe qua cầu Wesminster đâm vào nhiều người đi đường trước khi xông thẳng về phía tòa nhà Quốc hội và dùng dao đâm nhân viên cảnh sát bảo vệ ở cửa. 

Dùng “công nghệ thấp” gieo nỗi sợ hãi cao

Các chuyên gia phân tích sau khi nghiên cứu các cuộc tấn công tương tự đã cho rằng, các cuộc tấn công theo kiểu thô sơ hôm 22/3 không thể nào ngăn chặn được và rất dễ dàng “bắt chước”, đang khiến các cơ quan an ninh đau đầu. 

Thật vậy, cách thức tiến hành rất thô sơ của cuộc tấn công này gợi nhớ đến nhiều cuộc tấn công khác diễn ra trong vài năm gần đây tại một số nước phương Tây: sử dụng xe tải đâm vào đám đông như tại Nice (Pháp) và Berlin (Đức), cứa cổ một linh mục tại Normandie (Pháp), một xe ô tô đâm thẳng vào 2 binh sĩ tại Québec (Canada, năm 2014),…

Vào năm 2014, tên Abou Mohammed Al-Adnani, phụ trách tuyên truyền của IS và bị tiêu diệt vào tháng 8/2016, đã yêu cầu những người “theo sự nghiệp” của IS hãy “tiêu diệt” cảnh sát, binh sĩ quân đội hoặc đơn giản là những người dân thường tại các quốc gia tham gia lực lượng đồng minh quốc tế chống IS tại Syria và Iraq, với bất kỳ vũ khí gì có trong tay, từ hòn đá, con dao cho đến xe ô tô. 

Cuộc tấn công xảy ra ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh là cuộc tấn công đầu tiên ở nước này mà IS đứng ra nhận trách nhiệm. Trước đó vào ngày 7/7/2005, các cuộc tấn công liên tiếp đã làm 65 người thiệt mạng xảy ra tại London do tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đứng ra nhận trách nhiệm. 

Đương đầu với một loạt các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu chưa có trong tiền lệ do các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tiến hành tại châu Âu kể từ năm 2015, các quốc gia như Pháp và Anh đã tăng cường mạnh mẽ những công cụ giám sát và an ninh, và trên thực tế đã làm thất bại nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát hiện ra âm mưu của cách thức tấn công “thô sơ” này là rất khó khăn.

Trong vụ tấn công ngày 22/3 tại London, các cơ quan chức năng của Anh đã có hành động, phản ứng rất mau lẹ và kẻ tấn công đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Yves Trotignon, cựu chuyên gia phân tích của cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) cho rằng để làm được như vậy thì các cơ quan chức năng của Anh đã chuẩn bị kỹ từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, Trotignon cũng đặt ra câu hỏi: “Có sự chuẩn bị thì giảm được những hậu quả. Nhưng hiển nhiên không tránh được tất cả thiệt hại của kiểu tấn công này. Kẻ tấn công tại London vừa qua đã trang bị một con dao làm bếp và một chiếc ô tô, vậy thì các cơ quan chức năng phải làm gì đây?”. 

Còn Emily Winterbotham, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hoàng gia về quốc phòng và an ninh tại London, cho rằng các cuộc tấn công theo kiểu này được tiến hành với những vật dụng hàng ngày dường như đã trở thành một cách thức mới, tuy nhiên lại rất khó để ngăn chặn được…