Xa vời 'giấc mơ' tái thống nhất đảo Síp

(PLO) - Cuộc đàm phán mới giữa đại diện cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và đại diện người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ do Liên Hợp quốc (LHQ) bảo trợ lại một lần nữa bị thất bại. Hy vọng về vấn đề tái thống nhất đảo Síp lại càng trở nên xa vời. 
Xa vời 'giấc mơ' tái thống nhất đảo Síp

Ngày 22/11/2016, LHQ thông báo các cuộc đàm phán mới diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mont Pelerin ở Thụy Sĩ do LHQ bảo trợ nhằm tái thống nhất đảo Síp đã không thể đạt được thỏa thuận.

“Nói chuyện” 2 ngày không xong

Trong vòng đàm phán này, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades - đại diện cho cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và lãnh đạo cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci đã đàm phán trong hai ngày. Tuy nhiên, LHQ xác nhận bất chấp những nỗ lực cao nhất, hai bên vẫn không thể đạt đồng thuận để thống nhất tiêu chí cho những điều chỉnh về lãnh thổ - yếu tố quan trọng mở đường cho giai đoạn đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên, hai bên đã quyết định quay trở lại Síp và xem xét các bước đi tiếp theo. 

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người chủ trì vòng đàm phán mới này, cũng khẳng định lãnh đạo của hai cộng đồng tham gia đàm phán đều cam kết sẽ nỗ lực hết sức giải quyết những bất đồng vốn tồn tại hàng chục năm qua để có thể tìm ra một thỏa thuận mang tính giải pháp về vấn đề này trong năm 2016. Hai bên hiện vẫn còn một số điểm bất đồng, đặc biệt là khi Tổng thống Anastasiades thông báo ông sẽ yêu cầu phần lãnh thổ lớn hơn cho cộng đồng người Cyrus gốc Hy Lạp.

Vùng đất cổ xưa

Tương truyền, Síp là nơi sinh của Aphrodite, Adonis và là nơi ở của Vua Cinyras, Teucer và Pygmalion. Địa điểm có hoạt động của con người sớm nhất được xác định là Aetokremnos, nằm ở bờ biển phía nam, cho thấy những người săn bắn hái lượm đã có mặt trên hòn đảo từ khoảng năm 10.000 trước Công nguyên, với những cộng đồng làng định cư từ khoảng năm 8200 trước Công nguyên. Sự xuất hiện của những người đầu tiên trùng khớp với cuộc tuyệt chủng của những chú hà mã lùn và voi lùn, các xương sọ của chúng là khởi nguồn cho truyền thuyết Cyclops. 

Các giếng nước được phát hiện bởi các nhà khảo cổ học ở phía tây Síp được cho là thuộc số những giếng cổ nhất Trái Đất, có niên đại từ 9.000 tới 10.500 năm. Chúng được cho là bằng chứng về sự phức tạp của các cộng đồng định cư đầu tiên. Những di tích của một chú mèo 8 tháng tuổi được tìm thấy được chôn cất với người chủ của nó tại một địa điểm Đồ đá mới riêng biệt tại Síp. Ngôi mộ được ước tính có 9.500 năm tuổi, trước cả nền văn minh Ai Cập cổ đại và đẩy lùi thời điểm diễn ra sự thuần hoá thú nuôi của loài người lên sớm rất nhiều.

Một phiên họp của Quốc hội Síp
Một phiên họp của Quốc hội Síp

Hòn đảo chiến lược

Síp là hòn đảo lớn thứ ba nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, phía Nam của bán đảo Anatolia và cách bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80km. Nằm giữa ngã tư giao lưu của một số nền văn minh xưa, đảo Síp là mục tiêu tranh giành của các đế quốc. Với vị trí bao quát và thuận lợi trên các đường dẫn đến kênh đào Suez đã nâng cao tầm quan trọng về chiến lược của đảo quốc này. 

Diện tích đảo Síp bao gồm 9.251km2 , trong đó có 9.241km2 đất liền và 10km2  nước. Cộng hòa Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát 3.355km2  ở phía Bắc hòn đảo, còn Cộng hòa Síp gốc Hy Lạp kiểm soát 5.896km2  ở phía Nam. Theo thống kê, hiện có 800.000 người Síp gốc Hy Lạp và khoảng 220.000 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống trên đảo Cyprus. Tôn giáo chính của hòn đảo này là Đạo Cơ đốc chính thống (89,1%). Ngôn ngữ chính của người dân là tiếng Hy Lạp, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Anh.

Năm 1925, đảo Síp trở thành thuộc địa của Anh. Từ năm 1955, người Síp gốc Hy Lạp đấu tranh chống lại sự thống trị của người Anh và đòi sáp nhập đảo này vào Hy Lạp. Ngày 16/8/1960, Síp giành được độc lập sau một thoả thuận tại Zürich và London giữa Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Anh giữ lại hai vùng căn cứ quân sự có chủ quyền tại Akrotiri và Dhekelia trong khi các cơ sở chính phủ, các văn phòng công cộng được trao theo tỷ lệ thành phần sắc tộc khiến cộng đồng thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phủ quyết thường trực, 30% trong nghị viện và bộ máy hành chính, và trao cho ba quốc gia bảo lãnh các quyền đảm bảo thực hiện.

Năm 1963, bạo lực giữa các cộng đồng bùng phát với việc người Síp Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc vào sống trong các vùng đất nội địa và lãnh đạo người Síp Hy Lạp - Tổng giám mục Makarios III - kêu gọi đơn phương thay đổi hiến pháp, coi đó là cách thức để giảm căng thẳng và giúp người Hy Lạp có quyền kiểm soát toàn bộ hòn đảo. LHQ tham gia giải quyết vấn đề và các lực lượng LHQ tại Síp (UNICYP) đã được triển khai tại các điểm nhạy cảm. Tuy nhiên, các xung đột vẫn tiếp tục diễn ra giữa cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và cộng đồng thiểu số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiến pháp năm 1960 quy định một hệ thống chính phủ tổng thống với các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp riêng biệt, cũng như một hệ thống kiểm tra và cân bằng phức tạp, gồm một tỷ lệ chia sẻ quyền lực đã được tính trước để bảo vệ các quyền lợi của người Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhánh hành pháp, do một Tổng thống Síp Hy Lạp và một Phó tổng thống Síp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Hai người này được các cộng đồng của mình bầu lên với nhiệm kỳ năm năm và mỗi người đều có quyền phủ quyết với một số kiểu quyết định hành pháp và lập pháp. Quyền lập pháp thuộc Nghị viện, với các đại biểu cũng được bầu lên trên căn bản đầu phiếu. 

Từ năm 1964, sau những cuộc xung đột giữa hai cộng đồng, các ghế của người Síp Thổ Nhĩ Kỳ trong nghị viện bị bỏ trống. Người Síp Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thành lập Bộ Nội vụ trước cuộc xâm lược Síp trong nỗ lực nhằm phân chia Cộng hoà Síp về pháp lý. Các lãnh đạo người Síp Thổ Nhĩ Kỳ đã tán thành một lập trường cứng rắn chống lại mọi biện pháp có thể khiến các thành viên của hai cộng đồng sống và làm việc cùng nhau, hay có thể đặt người Síp Thổ Nhĩ Kỳ vào các tình huống, theo đó họ sẽ phải chấp nhận quyền lực của các cơ quan chính phủ. 

Người dân Síp cũng chưa thật sự hòa hợp
Người dân Síp cũng chưa thật sự hòa hợp

Chưa thể tái thống nhất

Đảo Síp bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Síp gốc Hy Lạp vào tháng 7/1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập “Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus”. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các vị trí tại Síp, hàng trăm lính dù đổ bộ xuống khu vực giữa Nicosia và Kyrenia, nơi người Síp Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị tốt đã có mặt từ lâu, trong khi ngoài bờ biển Kyrenia, 30 tàu Thổ Nhĩ Kỳ được bảo vệ bởi các tàu khu trục cho đổ bộ 6.000 lính và một lực lượng xe tăng, xe tải và các phương tiện bọc thép. Ba ngày sau, khi một thoả thuận ngừng bắn đã được đồng thuận, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho đổ bộ 30.000 lính trên hòn đảo và chiếm Kyrenia, hành lang nối Kyrenia với Nicosia và quận Síp Thổ Nhĩ Kỳ của Nicosia. 

Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Nhà nước Cộng hòa Síp do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam hòn đảo. Năm 1983, người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tuyên bố thành lập nền Cộng hòa Thổ Bắc đảo Síp nhưng không được quốc tế thừa nhận.

Năm 2004, LHQ từng đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Síp gốc Hy Lạp bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân. Năm 2015, LHQ tiếp tục thúc đẩy đàm phán giữa hai cộng đồng đối địch ở đảo Síp với hy vọng có thể “đạt được thỏa thuận toàn diện” sớm nhất có thể.

Từ khi được bầu vào cương vị người đứng đầu cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 đến nay, ông Mustafa Akinci đã có hàng chục cuộc gặp với Tổng thống Cộng hòa Síp Anastasiades dưới sự chủ trì của ông Espen Barth Eide, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa đã tập trung vào nỗ lực tái thống nhất đảo Síp thành một nhà nước liên bang gồm hai bang tự trị thành viên. Tuy nhiên, tại các cuộc đàm phán, hai bên đã không thể đạt được một trong những vấn đề gai góc nhất là đòi hỏi của cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp về việc cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải xóa bỏ quyền can thiệp vào đảo Síp theo Hiến pháp năm 1960.

Vấn đề tái thống nhất đảo Síp ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của EU và NATO, đến tương quan lực lượng và cục diện quan hệ trong EU, đến quan hệ giữa khối này với Thổ Nhĩ Kỳ. Xa hơn, nó còn ảnh hưởng đến những thách thức to lớn về kinh tế tài chính lẫn chính trị an ninh và tôn giáo xã hội mà EU hiện đang phải đối mặt.

Theo những gì được công bố, vướng mắc cuối cùng là sự phân định cụ thể ranh giới giữa 2 miền mà trong giải pháp hòa bình sẽ trở thành 2 bang của một nhà nước liên bang, mà ở đây là bất đồng về mức độ phạm vi lãnh thổ dành cho người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Hy Lạp.

Việc vòng đàm phán mới do LHQ bảo trợ tiếp tục đổ vỡ đã khiến hy vọng về tái thống nhất hòn đảo nằm ở Địa Trung Hải vốn bị chia cắt suốt 4 thập kỷ qua ngày càng trở nên mong manh. Cho dù đã có hòa bình và hòa giải, chuyện hòa hợp vẫn chưa ổn thỏa, chưa thể đảm bảo lâu bền cho đất nước thống nhất. Chưa đi được bước cuối cùng, cơ hội tái thống nhất đảo Síp tiếp tục bị bỏ lỡ…