Xây “quan tài” cho lò phản ứng hạt nhân bị nổ

(PLO) -Ukraina đã gây chú ý khi khởi động việc phá dỡ một ống khói khổng lồ mọc lên từ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nơi từng xảy ra thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân.
Một nửa quan tài mới đã xây xong tại Chernobyl
Một nửa quan tài mới đã xây xong tại Chernobyl
Một trong những dự án lớn nhất
To lớn và giống như đang tỏa sáng trong ánh nắng mặt trời yếu ớt của mùa đông Ukraina là một nửa phần "quan tài" bê tông mà người ta mới xây dựng. Đây là một trong những dự án công trình xây dựng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã được ví như một căn lều tuyết khổng lồ làm từ kim loại, được tạo ra để chứa hàng trăm tấn nhiên liệu hạt nhân và bụi phóng xạ trong lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Lò phản ứng này đã nổ tung trong năm 1986 và bốc cháy suốt 10 ngày, trong thảm họa rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất khi đó.
Mọi điều liên quan tới dự án đều khổng lồ: Từ kích cỡ của “quan tài”, phi phí trị giá 1,5 tỷ euro, cho tới các vấn đề kỹ thuật hình thành từ điều kiện làm việc ở một công trình có chất phóng xạ. 
Với chiều cao 110 mét, công trình có thể chứa tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng ở trong nó. Và với chiều rộng lên tới 25 mét, cả sân bóng có thể nhét vừa bên trong. Phần mái của công trình có vô số các tấm kim loại, dùng để đóng kín lò phản ứng và đống hỗn độn nguy hiểm ở bên trong. Tất cả công trình sẽ được gắn chặt với nhau bằng 680.000 bu lông hạng nặng, dài 15cm và nặng tới cả cân. 
Với kích thước lớn như thế, sẽ rất khó để xây dựng "quan tài" ở nơi nào khác, ngoài Chernobyl. Mùa thu này, khi dự án chính thức chạm mốc nửa đường, nó thực tế đã chậm so với kế hoạch tới cả thập kỷ, dù các kỹ sư tin rằng công việc giờ đã có thể tiến nhanh hơn và sẽ hoàn tất trong năm 2015. 
Chạy đua với thời gian
Don Kelly, 57 tuổi, một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp hạt nhân từ Washington tham gia xây dựng "quan tài" cho biết mọi giai đoạn của dự án đều giống như một bước đi vào chỗ chưa biết. Trước đó chưa ai từng xây "quan tài" cho một lò phản ứng hạt nhân bị nổ. Chỉ riêng việc chuẩn bị phần nền, nơi chiếc quan tài được xây dựng, đã cần tới việc đưa đi hàng trăm tấn đất nhiễm xạ. Tiếp đó, người ta phải xây móng bê tông sâu tới 8 mét. 
Bản thân lò phản ứng, bị hư hại nặng sau vụ nổ và cháy hồi năm 1986, vẫn còn tỏa ra quá nhiều phóng xạ nguy hiểm, khiến người ta không thể làm việc ở gần và lắp ráp quan tài trên nó. Thay vì thế, "quan tài" phải được xây dở cách đó vài trăm mét nhằm tránh phóng xạ phát ra. 
Một nửa "quan tài" giờ đã xây xong và khi nửa còn lại hoàn tất, hai nửa sẽ được ghép lại với nhau. Tiếp đó quan tài nặng 29.000 tấn này sẽ được đưa tới lò phản ứng trên các đường ray được xây dựng đặc biệt, cho tới lò phản ứng được khóa kín. 
Hiện tại lò phản ứng chỉ được bao phủ bởi một lớp bê tông và các tấm kim loại, vốn được xây dựng vài tháng sau vụ tai nạn. Theo kế hoạch, lẽ ra nó phải được thay thế trong năm 2006. Dù được gia cố, "quan tài" ban đầu này đang rỉ sét và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tháng 2 năm ngoái, chuông cảnh báo phóng xạ đã vang lên, khi một phần mái của phòng động cơ điện gần lò phản ứng sập xuống. 
Tất cả đều đang hy vọng "quan tài" mới sẽ được xây dựng xong, trước khi có bất kỳ sự sụp đổ lớn nào ở "quan tài" cũ. Nếu chuyện đó xảy ra hiện nay, một đám mây phóng xạ lớn sẽ bốc lên trời và lan ra một khu vực rộng lớn của Ukraina và châu Âu. Đó là lý do vì sao Ukraina lo ngại về những trì hoãn liên quan tới dự án. 
Chiến đấu vì sự an toàn
Khu vực xây dựng "quan tài" mới giờ đủ an toàn để người ta làm việc mà không cần mặc đồ bảo hộ, song vẫn phải mang thiết bị hỗ trợ thở và máy đo phóng xạ cá nhân. Chỉ cách đó vài trăm mét, công nhân đã phải mặc quần áo chống phóng xạ và thở qua mặt nạ. 
BBC cho biết một trong những hoạt động nhiều rủi ro nhất của dự án là việc phá bỏ ống khói của nhà máy, để "quan tài" mới có thể vào vị trí. Công nhân đã bắt đầu dỡ đi từng phần của ống khói, vốn nặng tới 55 tấn mỗi phần. Các phần này phải được cắt bằng thiết bị cắt plasma, hoạt động dưới sự điều khiển của các đội chuyên gia gồm hai người đứng trên cần cẩu. 
Đây là công việc đẩy rủi ro. Nếu cần cẩu có sự cố hoặc nếu những người điều khiển tính toán sai lầm, một bộ phận của ống khói có thể rơi xuống lò phản ứng và đám mây phóng xạ sẽ lại bốc lên bầu khí quyển. Vì thế bất kỳ ai làm việc trên ống khói đều được giám sát cẩn thận. Họ cũng chỉ được phép tiếp xúc với phóng xạ trong một khoảng thời gian nhất định và quá thời hạn này họ sẽ phải làm việc ở nơi khác. 
Các kỹ sư cho biết môi trường phóng xạ là lý do vì sao công việc diễn ra chậm tới vậy. "Công việc không nguy hiểm, chỉ là rất đỗi khó khăn" - Philippe Casse, 61 tuổi, giám đốc dự án xây "quan tài" mới cho biết - "Anh phải tổ chức mọi thứ để tránh rủi ro cho mọi người. Tôi không chỉ ở đây để kiểm sống mà còn giúp Chernobyl trở nên an toàn".