Xôn xao tin sửa hiến pháp để tiếp tục cầm quyền, Tổng thống Nga Putin nói gì?

(PLVN) - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông không đề xuất sửa đổi hiến pháp Nga để kéo dài thời gian nắm quyền.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo hãng tin TASS, Tổng thống Nga trong một phát biểu ở thành phố Cherevovets cho rằng, về cơ bản, Hiến pháp của Nga hiện khiến các đô thị không được kết nối trực tiếp với nhà nước.

"Cần có một hệ thống quyền lực thống nhất để các cấp quyền lực cao hơn có thể chịu trách nhiệm về những việc đang xảy ra ở các cấp chính quyền cấp thấp hơn và để những người làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh gắn kết với đất nước và lợi ích của đất nước”, ông Putin nói.

Theo Tổng thống Nga, đây mới là lý do ông đề xuất sửa đổi hiến pháp chứ không phải để mở rộng nhiệm kỳ của ông.

Những đề xuất sửa đổi hiến pháp của Nga được ông Putin đưa ra trong bản Thông điệp Liên bang gửi tới Quốc hội Nga.

Ông Putin cũng khẳng định những đề xuất sửa đổi đó sẽ do người dân quyết định. Vẫn theo Tổng thống Nga, các cuộc thảo luận về sửa đổi hiến pháp càng sâu rộng thì Hiến pháp Nga sẽ càng mang tính quốc gia.

Theo Tổng thống Nga, mọi người dân Nga sẽ cảm thấy như họ là đồng tác giả của bản hiến pháp sửa đổi.

“Tôi đã đề xuất bỏ phiếu trên toàn quốc để ngay cả những người không tham gia cuộc thảo luận này cũng có thể đóng góp vào quyết định cuối cùng”, Tổng thống Nga nói thêm.

Tổng thống Putin khẳng định cuộc bỏ phiếu toàn quốc sắp tới ở Nga sẽ là yếu tố quyết định để đưa ra quyết định cuối cùng về việc sửa đổi hiến pháp.

“Ý chí của người dân phải là yếu tố cuối cùng trong việc đưa ra quyết định sửa đổi Hiến pháp Nga”, ông Putin nói.

Theo Tổng thống Nga, cuộc bỏ phiếu sắp tới là hình thức dân chủ cao nhất, thực sự là sự thể hiện ý chí của công dân. 

Ngày 23/1, Duma Quốc gia tức Hạ viện Nga đã thông qua dự luật sửa đổi hiến pháp Nga do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình tại lần đọc đầu tiên.

Dự thảo luật này mở rộng thẩm quyền của Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện của Nga, đảm bảo quyền tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Nga và quy định một cuộc bỏ phiếu toàn quốc đối với các sửa đổi.

 Theo Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, lần đọc thứ hai đối với dự luật ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 11/2 đã được dời lại đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 do có nhiều sửa đổi được đề xuất.