"Cháo chợ" và ti vi, "kẻ thù" của trẻ nhỏ

Không ít trẻ trong các gia đình Việt Nam bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì. Ít ai biết thủ phạm chính là thói chiều con quá mức của bố mẹ.

Không ít trẻ trong các gia đình Việt Nam bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì. Ít ai biết thủ phạm chính là thói chiều con quá mức của bố mẹ.

Tình trạng trẻ béo phì đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng
Tình trạng trẻ béo phì đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng

4 tuổi vẫn chưa biết ăn cơm

Đó là hiện tượng không hiếm gặp của các gia đình thành thị. Hiện nay, rất nhiều bà mẹ đã lạm dụng máy xay sinh tố, nghiền nhuyễn mọi thức ăn cho trẻ. Khi ăn, trẻ chỉ việc nuốt chửng. Do vậy, trẻ sẽ không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dễ khiến bé nhanh chán và mắc chứng biếng ăn và bị suy dinh dưỡng.

Điều đáng nói hơn là nhiều bà mẹ mang con đến khám suy dinh dưỡng mà nguyên nhân nhiều khả năng xuất phát từ thói quen thường cho con ăn cháo mua ở ngoài. Cháo chế biến bên ngoài có vị ngon, cha mẹ thích mua cho con ăn vì tiết kiệm thời gian và dễ đổi món. Trẻ thích ăn các loại cháo này, thậm chí ăn nhiều nhưng lại không lên cân.

Theo các bác sĩ dinh dưỡng, các vi khuẩn e.coli, coliforms, cl.perfringens, b.cereus sẽ có trong cháo nếu khâu chế biến, nguồn nước, dụng cụ.. không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Các vi khuẩn trên gây ngộ độc đường ruột, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng hấp thu lâu dài khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Bào tử nấm men nấm mốc có nhiều trong cháo là do sử dụng nguyên liệu (gạo, rau, củ quả…) bị nấm mốc, gây rối loạn tiêu hóa, lâu dài có thể gây ung thư gan và ung thư đại tràng. Không loại trừ khả năng sử dụng phụ gia để tạo độ sánh, tạo màu, tạo mùi cho cháo. Điều này dẫn đến thực trạng năng lượng, chất đạm, chất béo cung cấp không đủ cho nhu cầu của trẻ, dẫn đến hiện tượng suy dinh dưỡng.

Béo phì vì ti vi

Nhiều bà mẹ thích giữ chân trẻ bằng cách thả chúng ngồi trước tivi. Đó là hành động phản khoa học. Việc ngồi trước màn hình (kể cả màn hình điện thoại, máy tính...) quá 2 tiếng mỗi ngày, đặc biệt với trẻ 2 - 5 tuổi, là quá nhiều.

Ngoài ra, xem tivi cũng có nghĩa là trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với đủ loại quảng cáo về các thực phẩm - chưa chắc đã tốt cho sức khỏe - dẫn tới việc trẻ ăn nhiều loại đó hơn. Việc lạm dụng cho trẻ xem quá nhiều ti vi khiến cho trẻ bị thiếu ngủ.

Và trên thực tế thì việc thiếu ngủ là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc trẻ mất kiểm soát tăng cân. Khi trẻ bị thiếu ngủ, cơ thể sẽ ở tình trạng mệt mỏi và tiết ra một loại chất béo.

Vậy tại sao thiếu ngủ lại dễ khiến trẻ tăng cân?. Các chuyên gia cho biết rằng việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến hoóc môn tăng trưởng và kích thích tố khác, làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, rối loạn nội tiết, tác động tới các vấn đề trao đổi chất và một trong những hậu quả của rối loạn chuyển hóa là béo phì.

Tất nhiên, không thể để cho em bé ngủ quá nhiều. Nếu trẻ ngủ quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thị lực, thính giác, cơ bắp, và thậm chí cả trí thông minh của bé cũng sẽ bị tác động. Trẻ sơ sinh trong vòng ba tháng sau khi chào đời nên ngủ 18 - 20 giờ sau sinh, ngủ từ 14 - 18 giờ sau 3 tháng đầu. Từ giai đoạn 6 tháng đến 1 năm, trẻ nên ngủ khoảng 12 - 14 giờ và tốt nhất là ngủ khoảng 13 giờ khi trẻ được 2 - 3 tuổi.

50% trẻ thiếu hụt vitamin

Vừa qua, tại Ninh Bình, Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp đã tổ chức Hội thảo công bố Kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á. Khảo sát thực hiện trên 2.880 trẻ tại bốn nước Đông Nam Á – Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, trước tuổi tiểu học và tiểu học, từ 2010 đến 2012.

Theo đó, hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và Sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Trong khi suy dinh dưỡng và thiếu vi chất tiếp tục là những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu, thì tỉ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng - đặc biệt là ở đô thị. Cứ 3-4 trẻ thì có 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý: hoặc thiếu dưỡng chất hoặc thừa dinh dưỡng.

Nhóm trẻ gái ở khu vực thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất (58,36%), tiếp đến là nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị (49,76%). Nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị và nhóm trẻ gái ở khu vực nông thôn có tỷ lệ thiếu vitamin D là 46,69% và 46,65%.  Tỷ lệ thiếu máu trẻ em 0,5-5,9 tuổi là 23% trong đó, ở nông thôn 25% và thành thị 20%.

Thùy Dương

Đọc thêm