"Siết" xe công để chống lãng phí

Dự thảo Luật quy định việc mua sắm phương tiện đi lại phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc; theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc sửa chữa, thay thế phương tiện đi lại phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Sáng nay, Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) (THTK, CLP)

Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) bao gồm 5 chương và được chia thành 76 Điều. Như vậy, so với luật hiện hành,  dự án Luật THTK, CLP (sửa đổi) giảm 6 chương và 10 điều. Việc giảm số chương, điều nói trên theo Ban soạn thảo là kết quả của rà soát, xử lý những nội dung trùng lặp tại Luật hiện hành.

Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được quy định rất cụ thể trong Dự luật
Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được quy định rất cụ thể trong Dự luật

Tại dự thảo luật, một trong những nội dung mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả của việc THTK, CLP là  Những quy định cụ thể về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó đưa ra những định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ THTK, CLP..

Đối với việc mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước, Dự luật được thiết kế trên cơ sở kế thừa Mục 2 Chương II của Luật hiện hành. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc phải ban hành quy chế nội bộ, kế hoạch sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chỉ tiêu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện, trang thiết bị liên lạc.

Dự thảo Luật quy định việc mua sắm phương tiện đi lại phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc; theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; việc sửa chữa, thay thế phương tiện đi lại phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng quy định rất cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong mua sắm, sửa chữa, thay thế phương tiện đi lại; xây dựng kế hoạch mua sắm, trang bị mới, sửa chữa phương tiện đi lại hoặc thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm được giao, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Trong việc sử dụng phương tiện đi lại, Dự thảo Luật đã quy định cơ quan, tổ chức phải sử dụng phương tiện đúng mục đích, đúng đối tượng và không được vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện chế độ sử dụng phương tiện đi lại theo các phương thức: (i) Trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ, địa bàn công tác; (ii) Thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp dịch vụ để phục vụ công việc; (iii) Khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại.

Tương tự như đối với phương tiện đi lại, dự thảo Luật quy định việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc phải đúng đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định về nguyên tắc mua sắm, trang bị phương tiện thông tin, liên lạc, dự thảo Luật còn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc như: (i) Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế nội bộ về sử dụng phương tiện thông tin, liên lạc; giao mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí đến từng bộ phận, cá nhân sử dụng để thực hiện; (ii) Rà soát toàn bộ phương tiện thông tin, liên lạc thuộc phạm vi quản lý, thu hồi những phương tiện được trang bị không đúng đối tượng và lập kế hoạch trang bị, điều chuyển phương tiện thông tin, liên lạc phù hợp với yêu cầu công việc, tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo Luật cũng quy định các nhóm hành vi gây lãng phí và giao Chính phủ quy định các hành vi gây lãng phí cụ thể. Đối với cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định tại dự luật, để xảy ra lãng phí thì bị xử lý theo các hình thức tương ứng theo luật định

Ngoài những vấn đề trên, Dự luật quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;  trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Đặc biệt, Dự thảo quy định về thông tin phát hiện lãng phí; trách nhiệm của người phát hiện lãng phí; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có phát hiện để xảy ra lãng phí; cơ chế khen thưởng; khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân phát hiện thông tin lãng phí có giá trị.

Đây là quy định mới so với Luật hiện hành nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân và công dân phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí; quy định trách nhiệm của người phát hiện lãng phí về tính trung thực của các thông tin; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí trong việc xem xét xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.

Nhật Thanh

Đọc thêm