Ảnh minh họa |
Loạn trích quỹ
Năm 2009, kết quả kiểm toán xác định tổng số tiền phải trích lập QBO tại 10 đầu mối là 970.908 triệu đồng; trên thực tế 10 doanh nghiệp (DN) này đã trích là 1.006.881 triệu đồng. Số đã trích “quá đà” lên tới gần 36 tỷ đồng . Năm 2010, số phải trích là 4.583.753 triệu đồng, trong khi đó 10 DN đã trích là 4.561.559 triệu đồng, trích thiếu hơn 22 triệu đồng.
Đáng chu ý là việc trích QBO của các DN cũng thừa, thiếu khác nhau. Trong năm 2009, Petrolimex trích thiếu 108 triệu đồng, Petec trích thiếu 14,2 triệu đồng, PMT trích thiếu tới hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, SaigonPetro lại trích thừa tới 8 tỷ đồng và Mekông Petro trích thừa tới hơn 52 tỷ đồng. Năm 2010, Petrolimex, trích thiếu tới 27 tỷ đồng, PVOil trích thiếu gần 4 tỷ đồng, Cty TNHH Một thành viên xăng dầu Hàng không trích thiếu 83 triệu đồng, Petec trích thừa 10,32 tỷ đồng và PMT thừa gần 2 tỷ đồng…
Qua biên bản kiểm tra của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), duy nhất chỉ có Cty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng Không là chưa thực hiện chế độ báo cáo về trích lập, quản lý và sử dụng QBO.
Sở dĩ có sự lộn xộn trong việc trích lập QBO, theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng là do “vẫn còn những hạn chế trong quá trình điều hành, hướng dẫn cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán QBO “
Lúng túng từ liên bộ
Chính những hạn chế trong quá trình điều hành, hướng dẫn cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán QBO làm cho DN lúng túng. Đơn cử, ngày 14/7/2009, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính ban hành công văn 156, trong đó ghi: "Thực hiện việc trích QBO đối với các chủng loại xăng dầu khi có điều kiện (có lãi) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng trở lại." Một số DN đã căn cứ vào nội dung này và chỉ trích lập QBO khi có lãi và không trích lập Quỹ khi bị lỗ. KTNN cho rằng, đây chỉ là công văn mang tính định hướng chứ không phải nội dung chỉ đạo yêu cầu thực hiện. Tới ngày 15/12/2009, thời điểm Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu mới có hiệu lực, Tổ giám sát lại có liên tiếp hai công văn yêu cầu các DN trích Quỹ như Thông tư 234 ban hành ngày 9/12/2009 qui định, theo đó các DN dù bị lỗ cũng vẫn phải trích QBO.
Ngoài ra, một số yếu tố trong cơ cấu giá thực tế phát sinh, như chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, lãi vay trong và sau thời gian lưu thông cũng chưa đươc quy định trong cơ cấu giá cơ sở (Nghị định 84/2009 chưa có yếu tố này). Bên cạnh đó, trong cơ chế trích lập, khi DN xăng dầu đầu mối tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá mà kết quả kinh doanh bị lỗ vẫn phải trích lập QBO, DN phải lấy vốn của mình để trích lập QBO. Vì giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì sẽ không có QBO của người tiêu dùng. Vịêc này dẫn đến làm tăng chi phí, tăng giá cơ sở; khi đó việc trích lập QBO không có ý nghĩa, DN đã lỗ càng thêm lỗ và tạo ra QBO nhưng không có thực vì giá bán đã thấp hơn giá cơ sở thì không có Quỹ…
Đi đâu về đâu?
Hạn chế của QBO, theo nhận định của của KTNN là dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư QBO khi chưa sử dụng mang lại; việc để quỹ tại DN có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị DN lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro đối với quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa, không tách bạch được các khoản lãi từ quỹ mang lại…
Tuy nhiên, KTNN cũng không có số liệu chứng minh cho nhận định này. Cách đây không lâu, tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng thẳng thẳng: “Tiền trong nhà là tiền chửa, tiền ra cửa là tiền đẻ. Đừng nói các anh (DN đầu mối – PV) không sử dụng khoản tiền trong QBO. Nói thế không ai tin, tôi cũng không tin…”
“Không phủ nhận việc tồn tại của QBO, song khó có thể kéo dài việc chỉ người dân phải trích lập quỹ để DN “giữ hộ” mà nói rằng không hưởng lợi gì…”, một chuyên gia lên tiếng.
Thanh Thanh