Quy định mới về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng: Một số doanh nghiệp cho rằng cần thêm khoảng thời gian phù hợp để chuẩn bị

(PLVN) - Ủng hộ việc tăng cường quản lý nhà nước để phát triển bền vững, ổn định thị trường vật liệu xây dựng (VLXD), song một số doanh nghiệp (DN) cho rằng quy định của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ 16/12/2024 là hơi gấp gáp, DN nêu ý kiến cần thêm thời gian để chuẩn bị; do thực hiện chứng nhận hợp quy đối với hàng nhập khẩu phải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian.
DN ủng hộ việc tăng cường quản lý để phát triển bền vững thị trường VLXD, nhưng đề xuất có lộ trình phù hợp. (Ảnh: Thanh Thanh)

Quy định mới hướng tới ổn định thị trường VLXD

Ngày 21/11 vừa qua, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư số 10/2024/TT-BXD ban hành ngày 1/11/2024 về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD. Thông tư sẽ có hiệu lực từ 16/12/2024.

Theo Bộ Xây dựng, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; còn xảy ra tình trạng sản phẩm kém chất lượng được đưa vào các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng chất lượng công trình. Mặt khác, một lượng lớn hàng hóa hiện nay đang được lưu thông mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ chất lượng. Việc ban hành Thông tư 10 nhằm tăng cường quản lý để ổn định thị trường VLXD.

Thông tư quy định danh sách các nhóm VLXD; phân biệt sản phẩm, hàng hóa VLXD không gây mất an toàn (nhóm 1) và sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Bộ Xây dựng (nhóm 2) để quy định phương pháp quản lý chất lượng phù hợp; quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD trong các hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu - lưu thông trên thị trường - sử dụng.

Thông tư quy định tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD; sàng lọc các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt và chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm; chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng chất lượng công trình…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Về cơ bản, nội dung Thông tư 10 đã bảo đảm các quy định theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Xây dựng năm 2014 liên quan quản lý chất lượng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, DN, tổ chức liên quan nghiên cứu, thực hiện nội dung Thông tư, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng mong muốn nhận được thêm ý kiến của các đơn vị về Thông tư; có trao đổi trực tiếp để cùng phối hợp chặt chẽ, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch; khuyến khích sử dụng hàng trong nước; chống gian lận thương mại trong lĩnh vực VLXD.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư 10/2024/TT-BXD. (Ảnh: Toàn Thắng)

Vướng mắc liên quan đánh giá hợp quy sản phẩm

Sau khi Thông tư 10 được ban hành, các DN VLXD đều hoan nghênh mục đích của Thông tư nhằm hướng đến phát triển thị trường VLXD bền vững, lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, một số DN nhập khẩu cho rằng Thông tư 10 có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 là hơi gấp, không kịp để các DN sắp xếp, chuẩn bị nguồn hàng, nhất là thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao.

Theo kiến nghị của một số DN gửi tới Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), khoản 3 Điều 8 Thông tư 10 quy định hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Nhưng hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, trong khi thời điểm có hiệu lực của Thông tư rất gần; nên DN nhập khẩu lo ngại sẽ gặp khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.

Cũng theo đơn, quy trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước: Đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, lập đoàn kiểm định, kiểm tra hồ sơ trực tiếp tại xưởng sản xuất của nhà cung cấp, chọn mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam, đánh giá chất lượng… nên cần rất nhiều thời gian để thực hiện.

Tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư 10 đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các DN đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện đang trong quá trình sản xuất; nên với thời gian Thông tư có hiệu lực như trên sẽ gây khó khăn cho các DN; từ đó có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, làm cho giá bán sản phẩm tăng mạnh, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, các DN kiến nghị cơ quan chức năng lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư 10 để các DN có thời gian chuẩn bị và thực hiện việc chứng nhận hợp quy theo đúng quy định.

Trả lời PLVN, ông Lê Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA), Chủ tịch Group VLXD miền Nam nói: “Mục đích của Thông tư 10 là rất tốt, được cộng đồng DN hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần phát triển lành mạnh thị trường VLXD. Tuy nhiên, thời gian áp dụng Thông tư 10 là gấp, vô tình tạo ra vướng mắc cho những DN nhập khẩu nhưng hàng hoá chưa thông quan kịp, vì vậy cần có lộ trình thực hiện phù hợp. Chúng tôi cũng đang tổng hợp ý kiến, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp trước mắt để kiến nghị lên các cấp”.

Đọc thêm