|
Trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản) ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập.
Ảnh: Trần Văn Trọng
|
Nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT cũng như của UBND cấp tỉnh, huyện, xã, ngày 24-12-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Nghị định này quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước về giáo dục. Các bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước theo quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ; đồng thời phối hợp với Bộ GD-ĐT bảo đảm tính thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục.
Đối với các bộ có cơ sở giáo dục trực thuộc có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về đào tạo, phát triển nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhân lực của ngành và của xã hội.
Phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc quy định cụ thể việc đào tạo, quy định văn bằng công nhận trình độ, kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một ngành chuyên môn đặc biệt, xây dựng chương trình khung đào tạo trình độ TCCN.
Chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp trực thuộc bộ trong việc đảm bảo các điều kiện thành lập trường, hoạt động giáo dục, mở ngành tuyển sinh. Thực hiện quy chế tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng liên quan tổng hợp quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển giáo dục của cả nước và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT hướng dẫn các bộ liên quan, UBND cấp tỉnh lập, phân bổ và tổ chức thực hiện ngân sách Nhà nước về giáo dục… Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và giao biên chế công chức cho các bộ và UBND cấp tỉnh (trong đó có biên chế của Sở GD-DT và Phòng GD-ĐT) trong tổng biên chế tổ chức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; các văn bản hướng dẫn quản lý công chức, viên chức trong lĩnh vực giáo dục theo thẩm quyền.
Thứ hai, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phát triển giáo dục, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn. Xây dựng và trình HĐND cấp tỉnh quyết định quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục…; Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm về giáo dục…; Bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học do địa phương quản lý…
Sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn của địa phương mình. Bên cạnh đó, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ đưa người đi du học tự túc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn huyện. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn huyện. Đối với UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền về giáo dục trên địa bàn xã. Cụ thể là, phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học; được cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và chịu trách nhiệm kiểm tra các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo này trên địa bàn...
Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2011 và cũng quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề tiếp tục được thực hiện theo quy định cũ. Đây là cơ sơ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục ở các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, để đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.
Giang Long