Thời gian qua, cả người dân lẫn cơ quan chức năng đều đau đầu chuyện tiền “âm phủ” in giả như... thật. Mới đây, Bộ Thông tin & truyền thông vừa có công văn hướng dẫn cụ thể để hạn chế tình trạng này.
Cấm, vẫn vi phạm
Trước đây, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/2003 nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam đồng dưới bất cứ mục đích nào. Tuy vậy, hơn một năm trở lại đây, thị trường vàng mã các tỉnh phía Bắc xuất hiện loại tiền âm phủ giả tiền polymer. Những tờ tiền âm phủ này được làm bằng giấy cứng, có màu sắc như tiền polymer thật, mới nhìn qua thì hầu hết mọi người đều nhầm lẫn. Nếu không nhìn kỹ dòng chữ "ngân hàng địa phủ" thì có lẽ ai cũng nhầm tưởng là tiền thật.
Tiền "âm phủ" in giả như... thật. |
Trước thực trạng trên, ngày 6/10 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 22 nghiêm cấm sử dụng nội dung, hình ảnh, họa tiết, màu sắc của tiền Việt Nam và nước ngoài để in vàng mã. Theo quy định tại Thông tư, kích thước sản phẩm vàng mã (tiền âm phủ) phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn tiền Việt Nam, tiền nước ngoài từ 3 cm trở lên mỗi chiều và chỉ in một màu, một mặt. Việc in vàng mã đồng phải phải đảm bảo không vi phạm các quy định về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, đầu năm 2010, Sở Thông tin- Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở này sẽ không cấp phép in các loại tiền vàng mã nhái theo các mẫu tiền polymer. Nhưng không hiểu do đâu đến nay, trên thị trường Hà Nội, các loại tiền âm phủ nhái tiền polymer vẫn tràn ngập thị trường. Đặc biệt, tiền polymer thật có mệnh giá bao nhiêu thì tiền polymer âm phủ có đủ các mệnh giá đó, từ loại tiền nhỏ là 10.000 đồng cho đến loại 500.000 đồng. Các cơ sở in đồ vàng mã vẫn lén lút in ấn mẫu tiền giống với tiền thật và đưa ra lưu hành trên thị trường. Còn người mua, bán thì thực hiện công khai mà không bị nhắc nhở, xử lý.
Theo một cán bộ quản lý thị trường, hiện mới có quy định xử lý cơ sở in ấn theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, chứ chưa có quy định xử lý đối với việc sử dụng tiền âm phủ giống với tiền thật. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TP. Hà Nội thì không giấu diếm: Có những địa phương còn lấy những hộ gia đình làm nghề in vàng mã mà nuôi được con con ăn học là tấm gương biểu dương tinh thần vượt nghèo khó. Thậm chí chính quyền còn cho đấy là thành tích.
Chính quyền vẫn chưa biết quy định tại Thông tư 22
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Thông tư 22 không chỉ bảo vệ uy tín của đồng tiền Việt Nam mà còn tạo hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý chặt các cơ sở in ấn đồ mã. Bởi trước đây, Sở Thông tin- Truyền thông Hà Nội từng từ chối cấp phép đối với hồ sơ xin đăng ký được in “tiền polymer vàng mã” của một doanh nghiệp do chưa biết quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào.
Sau “sự cố” trên, rất nhiều cơ sở in đồ mã đã đặt lại vấn đề với cơ quan chức năng: “Sao không có quy định cụ thể về mẫu mã của các loại tiền vàng mã được phép in ấn, để chúng tôi dễ xin phép, tiêu thụ mà không vi phạm?”.
Bà H.N (bán hàng mã tại chợ Cầu Giấy) khi được hỏi đã rất đồng tình với những quy định của Thông tư 22. Bởi theo bà, việc làm này trước hết là bảo vệ giá trị và uy tín của đồng tiền do Ngân hàng nhà nước phát hành. Hơn nữa, trước khi có tiền âm phủ giả tiền polymer thì các tiền mã truyền thống vẫn tiêu thụ bình thường. “Tâm lý người tiêu dùng là thấy cái gì vừa rẻ, vừa đẹp thì mua. Nếu quy định tiền âm phủ chỉ được in một màu, một mặt thì tôi nghĩ thị trường cũng không có xáo trộn”- bà HN cho biết.
Còn hầu hết người tiêu dùng đều không mấy quan tâm với quy định “chỉ được in tiền âm phủ một mặt”. Theo lý giải của họ thì việc hóa vàng mã cho người quá cố là thể hiện sự thành tâm và tưởng nhớ của những người còn sống. Do vậy, tiền một mặt hay hai mặt cũng chỉ là đồ mã để hóa đi mà thôi.
Được biết, nơi có nguồn cung mặt hàng này phong phú nhất trên địa bàn Hà Nội phải kể đến phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, theo những người bán hàng ở phố này thì họ chỉ là nơi nhận hàng về bán, còn nơi sản xuất nhiều nhất phải kể đến làng Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy)
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa bộc bạch: Nghề in vàng mã của các hộ dân tại làng Cót đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện sản xuất không bằng trước kia. Đây là nghề không phổ biến, mang tính chất truyền thống.
Mặt khác, mặt hàng này cũng là do quan hệ cung cầu nên dù biết là lĩnh vực cấm, nhưng người dân vẫn chưa biết quy định cụ thể ra sao? Cấm những cái gì, vì thế dân vẫn sản xuất tự phát. “Nhưng khi Thông tư 22 có hiệu lực, chúng tôi phải có biện pháp ngay; sẽ cho rà soát, kiểm tra các cơ sở đang in ấn mặt hàng này, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu. Hiện nay, phường chưa cập nhật được Thông tư này. Tôi chỉ mới nghe nói lần đầu”- ông Hiếu cho biết./.
Vân Anh