Quy hoạch các điểm vượt sông đáp ứng yêu cầu phát triển

Từ nay đến năm 2030, sẽ từng bước xây thêm các cầu trên các sông lớn theo nguyên tắc: đối với các đoạn sông lớn qua địa bàn thành phố Nam Định đạt khoảng cách 3-4 km có 1 cầu; tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua sông lớn đều được xây cầu thay thế cầu phao, phà, đò ngang; tải trọng thiết kế đạt tiêu chuẩn HL-93, khổ cầu phù hợp với cấp đường quy hoạch.
Đảm bảo trật tự ATGT ở bến phà Sa Cao - Thái Hạc (nối huyện Xuân Trường với tỉnh Thái Bình).
Ảnh: Dương Đức

Trên địa bàn tỉnh có 4 sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và nhiều sông địa phương, kênh đào, sông tiêu… Tổng chiều dài sông, kênh toàn tỉnh là 519km, ngoài ra còn có 1130km kênh nội đồng. Toàn tỉnh có hàng nghìn điểm vượt sông bằng các loại cầu bê tông, cầu phao, phà, đò ngang. Trên tuyến quốc lộ 21 thuộc địa phận tỉnh có 36 cầu; tỉnh lộ 489 có 6 cầu và 17 cống; tỉnh lộ 486 (đường 56 cũ) có 27 cầu, 164 cống và một bến đò Đống Cao, 1 cầu phao Ninh Cường; tỉnh lộ 484 (đường 64 cũ) có 6 cầu, 41 cống; tỉnh lộ 485 (đường 57A cũ) có 5 cầu và 50 cống; tỉnh lộ 486 (đường 12 cũ) có 11 cầu và 44 cống; tỉnh lộ 487 (đường 38A cũ) có 2 cầu và 6 cống; tỉnh lộ 488 có 13 cầu; tỉnh lộ 489 (đường 54 cũ) có 20 cầu và 44 cống; tỉnh lộ 490C có 21 cầu và 59 cống. Đó là chưa kể hệ thống cầu, cống, bến đò trên các trục đường huyện, liên xã có kết nối trực tiếp với hệ thống tỉnh lộ và quốc lộ. Nhìn chung, hệ thống cầu, cống qua đường trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng khai thác từ lâu, quy mô tiêu chuẩn thấp, khổ cầu hẹp, tải trọng nhỏ… Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cầu cống trên các tuyến đường bộ, các điểm vượt sông trong việc tăng năng lực giao thông cho toàn tuyến, đáp ứng yêu cầu lưu thông của phương tiện cơ giới, tỉnh và các địa phương đã tranh thủ huy động các nguồn vốn dự án ODA, JBIC, trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương… để đầu tư.  Đến nay, có nhiều cầu đã được đầu tư xây dựng mới hiện đại bê tông vĩnh cửu như cầu Tân Đệ, cầu Lạc Quần, cầu Đò Quan, cầu vượt sông Đào trên tuyến đường S2, 21 cầu trên tuyến quốc lộ 21A (thành phố Nam Định - Phủ Lý) và quốc lộ 21B (thành phố Nam Định - Thịnh Long), trên tỉnh lộ 51 (ngã 3 Hải Vân - thị trấn Quất Lâm nối với quốc lộ 21B), cầu Quần Liêu… Các cầu mới xây dựng đều bảo đảm theo quy mô đường, đạt tải trọng H30-XB80 trở lên, phù hợp với yêu cầu vận tải hiện đại, tải trọng lớn. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng cầu đòi hỏi mức đầu tư lớn, trong khi số lượng cầu cống trên đường của tỉnh ta quá nhiều nên thời gian qua chủ yếu mới đầu tư khắc phục một số cầu quá yếu. Hiện tại vẫn còn nhiều cầu quá nhỏ, yếu không đáp ứng yêu cầu lưu thông của xe cơ giới như cầu Đen trên tỉnh lộ 488, gần 50% cầu trên tỉnh lộ 489 khổ cầu hẹp dưới 4m. Mặt khác, do việc đầu tư cải tạo, xây mới cầu trên các tuyến đường "xôi đỗ" nên hạn chế khả năng lưu thông toàn tuyến. Ngoài ra, một số điểm vượt sông bằng cầu phao, phà như cầu phao Ninh Cường trên tỉnh lộ 486B, bến phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Thịnh Long nối tỉnh lộ 490C với quốc lộ 21B xuống khu du lịch biển Thịnh Long, vùng quy hoạch khu kinh tế mở Ninh Cơ trong tương lai, thậm chí cả bến đò Đống Cao trên tỉnh lộ 486B có mật độ, lưu lượng người và phương tiện qua lại đông. Do phương thức lưu thông hiện tại bằng phà, cầu phao nên rất hạn chế năng lực giao thông của toàn tuyến.

Để đáp ứng yêu cầu GTVT tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển GTVT tỉnh ta đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hệ thống giao thông của tỉnh bảo đảm kết nối hài hòa giao thông nội địa và giao thông đối ngoại; trong đó có hệ thống các điểm vượt sông, nhất là các sông lớn như: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Từ nay đến năm 2030, sẽ từng bước xây thêm các cầu trên các sông lớn theo nguyên tắc: đối với các đoạn sông lớn qua địa bàn thành phố Nam Định đạt khoảng cách 3-4 km có 1 cầu; tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua sông lớn đều được xây cầu thay thế cầu phao, phà, đò ngang; tải trọng thiết kế đạt tiêu chuẩn HL-93, khổ cầu phù hợp với cấp đường quy hoạch. Chẳng hạn, trên đường vành đai 1 là tuyến quốc lộ 10, đường S2, đoạn nối tiếp đoạn tuyến S2 tới cảng sông Nam Định mới trên đê sông Hồng và đoạn tuyến qua cầu vượt sông Đào nối vào đường Đông bắc thành phố (đê Quán Chuột cũ) tới quốc lộ 10. Trên tuyến này xây dựng mới cầu qua sông Đào (tại vị trí đò Kinh Lũng). Bến đò Đống Cao phân giai đoạn xây dựng bến phà Đống Cao và đến năm 2020 sẽ xây dựng cầu Đống Cao, cầu Ninh Cường trên tuyến tỉnh lộ 486B. Trên 4 sông lớn sẽ xây mới 20 cầu, trong đó có 4 cầu vượt đường sắt, còn lại là các cầu vượt sông. Trên sông Ninh Cơ, ngoài cầu Ninh Cường sẽ xây thêm cầu Trực Nội- Trực Đại (tỉnh lộ 488), cầu Thịnh Long 1 (tuyến đường nối tỉnh lộ 490C và quốc lộ 21B) và cầu Thịnh Long 2 trên tuyến quốc lộ ven biển. Trên sông Đáy, xây mới 5 cầu, 3 cầu vượt sông là cầu Bến mới (tỉnh lộ 486), cầu tuyến cao tốc ven biển, cầu tuyến quốc lộ ven biển, cầu nối huyện Nghĩa Hưng với huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Trên sông Hồng, xây mới cầu Sa Cao - Thái Hạc (tỉnh lộ 489B), cầu Giao Thiện (tuyến quốc lộ ven biển), cầu đường cao tốc ven biển, cầu Nam Phong (đường vành đai 1). Trên sông Đào, xây mới cầu Tân  Phong, cầu Gốc Mít, cầu Trần Nhân Tông, cầu Kinh Lũng, cầu Đống Cao... Cầu cống trên hệ thống đường huyện do các địa phương đầu tư bảo đảm tải trọng tối thiểu 0,65HL-93 theo tiêu chuẩn 22TCN-272-05. Quy hoạch này đang được thực hiện từng bước, trong đó các cầu: Tân Phong, bến phà Đống Cao đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án, giao cho Tổng cục Đường bộ, Tổng cục đường thủy nội địa xem xét đầu tư./.

Vân Anh

Đọc thêm