Quy hoạch điểm tập kết rác ở thành phố Nam Định (Kỳ I)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều ga rác (điểm tập kết rác thải) không hợp lý, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc giải quyết, di chuyển các điểm tập kết này ra những vị trí mới vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều ga rác (điểm tập kết rác thải) không hợp lý, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc giải quyết, di chuyển các điểm tập kết này ra những vị trí mới vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

I. Ghi từ những điểm tập kết, trung chuyển rác thải

Gần 2 năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu phố 3, Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường do điểm tập kết rác thải nằm trên đường Phù Nghĩa, gần ngã tư giao cắt với quốc lộ 10. Hàng ngày, tại đây lưu lượng người và xe cộ qua lại rất đông. Trên tuyến đường này tập trung nhiều cơ quan, trường học như: Đại học tại chức, Đại học Kinh tế kỹ thuật; Trường tiểu học, THCS Lộc Hạ và các bệnh viện: Tâm thần, Mắt, Lao và phổi, Đông y, Trung tâm Nội tiết, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Mùa nắng cũng như mùa mưa, các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, phế thải xây dựng… đổ tràn lan nồng nặc mùi xú uế khiến người dân cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Theo phản ánh của các hộ dân ở đây, các công nhân Cty vệ sinh môi trường thành phố thường tập kết rác thải từ khoảng 5h chiều mùa hè, 4h chiều mùa đông, kết thúc lúc 8-9h tối. Thời gian tập kết đúng vào thời điểm tan tầm nên có lúc gây ra tình trạng tắc đường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống xung quanh cũng như người đi đường. Mặc dù buổi tối, công nhân Cty vệ sinh môi trường thành phố đã dọn dẹp khá sạch sẽ nhưng chỉ đến 5h sáng hôm sau lại tràn ngập rác. Anh Nguyễn Văn Dần, tổ 3 khu Đệ Tứ, phường Lộc Hạ cho biết, nếu trời mưa to, cống tắc, đường ngập, rác tràn cả lên vỉa hè, nhà nào thấp rác còn trôi vào nhà, rất mất vệ sinh. Những hôm mất điện, thời tiết nóng bức, người dân không thể ra ngoài hiên nhà hóng mát bởi không thể chịu nổi mùi hôi thối từ điểm tập kết rác đưa tới.

Công nhân Cty TNHH một thành viên môi trường đô thị Nam Định thu gom rác thải.
Ảnh: Dương Đức

Cũng trong tình trạng tương tự, điểm tập kết rác thải thuộc phường Hạ Long đang khiến cho nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ dân thuộc tổ dân phố 9, Phù Nghĩa A, Phù Nghĩa B và các phụ huynh học sinh rất bức xúc. Điểm tập kết này nằm ngay cạnh trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, chỉ cách một bức tường chắn khoảng 2m. Đây không chỉ là nơi có mật độ người sinh sống và qua lại đông mà còn là nơi có nhiều trường học như: Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường mầm non Hoa Sen. Thời gian tập kết rác ở đây diễn ra từ 16-17h. Đây cũng là thời điểm học sinh, sinh viên tan học nên gây ra không ít những bất cập. Nhiều hộ dân cho biết, điểm tập kết rác này có từ 5, 6 năm nay, gây không ít phiền toái cho người dân, nhất là những hộ sống cạnh đó. Nhà cửa hầu như phải đóng kín quanh năm để hạn chế sự "tấn công" của các loại côn trùng gây bệnh như: ruồi, muỗi, gián, chuột và mùi xú uế. Nhiều lần họp tổ dân phố, chi bộ, Hội Phụ nữ, người dân cũng đã có kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng của phường và thành phố quan tâm, di chuyển điểm tập kết rác ra nơi khác xa khu dân cư song vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay không chỉ có các loại rác thải sinh hoạt mà nhiều gia đình còn mang cả đồ dùng gia đình bị hỏng, xác động vật, băng gạc y tế, thậm chí có cả đồ dùng của người vừa qua đời ra đây vứt bỏ, khiến cho điểm tập kết rác này luôn trong tình trạng quá tải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vì thế, mặc dù hàng ngày đều có xe ô tô vận chuyển rác làm việc liên tục từ 16h đến 21h nhưng lượng rác thải vẫn còn lưu lại khá nhiều nên môi trường sống bị ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị ở khu vực cửa ngõ phía đông của thành phố.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Nam Định còn một số điểm tập kết rác bất hợp lý như trước cổng chợ Mỹ Tho (đường Trần Hưng Đạo); trên đường Hùng Vương (cạnh hồ Vị Xuyên); trên đường Lê Hồng Phong (tiếp giáp với Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên); tại khu vực Ngã 6 Năng Tĩnh; trên đường Trần Đăng Ninh - Phan Bội Châu; trên đường Nguyễn Xuân Thiều - Trường Chinh (cạnh Sân vận động Thiên Trường)… cần phải xem xét. Hầu hết những vị trí tập kết rác này gần các trung tâm sinh hoạt văn hóa của thành phố có đông dân cư sinh sống. Đáng chú ý, phần lớn những điểm tập kết rác thải này đều là tự phát, chưa được các cơ quan chức năng thẩm định, tính toán trong quy hoạch đô thị của thành phố. Thời gian tập kết rác tập trung vào giờ "cao điểm" hàng ngày, kéo dài trong 3-4h, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Việc thu gom rác hàng ngày chưa thực sự được quan tâm đúng mức nên lượng rác còn dư lại khá nhiều. Thêm vào đó, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của nhiều người chưa cao, đổ rác bừa bãi, không đúng nơi và đúng thời gian quy định. Gần các điểm tập kết rác có rất nhiều hàng quán, trong đó có không ít các hàng bán đồ ăn chế biến sẵn hoặc nước giải khát. Nhiều hàng ăn được bán ngay cạnh hoặc gần nơi tập kết rác, bày thấp, không được che đậy nhưng vẫn có rất nhiều người mua hàng. Cụ thể như tại điểm tập kết rác ở cổng chợ Mỹ Tho có trên 10 hàng bán bún, nem rán, rau quả. Phía đối diện điểm tập kết rác ở khu vực phường Lộc Hạ là các hàng chè, nước giải khát, hàng ăn sáng. Tại điểm tập kết rác thuộc phường Hạ Long xung quanh là các hàng nước, bán bánh bao, giò chả… Điều đó cho thấy, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh mùa hè đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Việc tập kết rác thải tại một số vị trí hiện nay trên địa bàn thành phố Nam Định chưa thực sự hợp lý nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đông đảo nhân dân rất mong các cơ quan, ban, ngành chức năng và UBND thành phố Nam Định sớm có hướng giải quyết vấn đề này, đưa điểm tập kết rác ra những vị trí thích hợp hơn, góp phần mang lại một môi trường sống trong lành, bảo đảm xanh - sạch - đẹp  cho người dân Thành Nam./.

(Còn nữa)
Văn Đại Thanh Thủy

Đọc thêm