Quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị “băm nát”: Chỉ tại 1 dự án, số tiền thất thoát đã nhiều tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài việc cấp phép tùy tiện, vi phạm trong thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch, một nguyên nhân khác khiến quy hoạch đô thị 2 bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) bị phá vỡ là do tình trạng buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận của một số sở, ngành, UBND quận, huyện.
Một góc dự án Khu công viên giải trí số 01 Trung Hòa - Nhân Chính.
Một góc dự án Khu công viên giải trí số 01 Trung Hòa - Nhân Chính.

Không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan

Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) của Bộ Xây dựng mới công bố, tại 31 dự án, công trình hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, chủ đầu tư đã thi công công trình sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng (TMB), phương án kiến trúc (PAKT) được chấp thuận; không có giấy phép xây dựng (GPXD), sai GPXD, sai thiết kế được duyệt.

Qua thanh tra cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm khoản 3 Điều 65 Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.

So với quy chuẩn, có 3 đồ án thiếu diện tích cây xanh, 31 dự án không bố trí hoặc bố trí thiếu diện tích cây xanh, 2 đồ án thiếu đất giáo dục, không bố trí đủ trường học.

Trên thực tế đang có 10 ô quy hoạch công viên cây xanh chưa được đầu tư, trong đó có Khu văn hóa thể thao và du lịch Nam Từ Liêm (ô 9 - CCTP2) giao Cty CPĐT Văn Phú - ITC làm chủ đầu tư; Công viên hồ điều hòa Trung Văn (6 10-CXTPI) giao Cty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Cty Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư; diện tích cây xanh (6 03 CXTP) thuộc dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang giao Cty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư…

Thanh tra còn chỉ ra có 4 dự án chủ đầu tư đã đưa công trình vào sử dụng khi không có kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm Điều 26 Nghị định 209/2004/NĐ-CP; khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Để xảy ra tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội và một số quận thiếu kiểm tra, xử lý không triệt để các vi phạm tại nhiều dự án, công trình, vi phạm Điều 10, 11 Nghị định 180/2007/NĐCP; Điều 3 Quy chế ban hành theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND; Điều 3, 4 Quy định ban hành theo Quyết định 04/2019/QĐ-UBND của UBND Hà Nội.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, tại 3 dự án, các cơ quan chức năng cho phép thành lập bổ sung cấp học sai QHCT được phê duyệt, chưa đảm bảo về hạ tầng theo QCXDVN; Việc công bố, công khai các đồ án QHPK, QHCT được duyệt chưa đúng quy định về thời gian, hình thức, chưa đầy đủ nội dung; các TMB, PAKT được chấp thuận, chấp thuận điều chỉnh không được công bố công khai để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết để quản lý, giám sát quá trình thực hiện, thực hiện không đúng Điều 32 Luật Xây dựng 2003; Điều 38, 39 Nghị định 08/2005/NĐ-CP; Điều 53, 54 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Vụ việc có dấu hiệu hình sự

Liên quan dự án Khu công viên giải trí số 1 (Dự án giải trí) thuộc ô đất cây xanh CX2 (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), theo KLTT, TCty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã không quản lý, để chủ đầu tư cấp II là Cty CP Hợp tác đầu tư Phúc Thanh, Cty CP Công nghệ Bể bơi thông minh nhận chuyển nhượng dự án xây dựng, cải tạo, sử dụng công trình sai TMB, PAKT được chấp thuận tại 2 dự án, vi phạm Điều 17 Nghị định 11/2013/NĐ-CP.

Vinaconex đã lập, phê duyệt dự án tại Quyết định số 233A QĐNC-ĐT ngày 7/3/2006 (thời điểm là TCty Nhà nước) sai quy hoạch được duyệt, chuyển nhượng dự án (Hợp đồng 0335/HĐKT-VN-BBTM ngày 18/11/2008, thời điểm là TCty CP) cho Cty Bể bơi với chi phí phân bố hạ tầng và phát triển dự án là hơn 7,929 tỷ đồng; UBND Hà Nội lại có Văn bản 3321/UBND-KH&ĐT ngày 29/5/2008 cho phép chuyển nhượng dự án cũng sai quy định khi Vinaconex lập, phê duyệt dự án sai quy hoạch được duyệt.

Theo thanh tra, việc Cty Bể bơi là chủ đầu tư xây dựng dự án Khu công viên giải trí số 1 sai quy hoạch, chưa đủ cơ sở để được miễn giảm tiền sử dụng đất, thậm chí còn có khả năng gây thiệt hại cho ngân sách số tiền tạm tính đến thời điểm 26/5/2020 là gần 2,6 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện xử lý hành vi xây dựng sai quy hoạch được duyệt. Thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng, với Vinaconex số tiền hơn 7,9 tỷ đồng do lập, chuyển nhượng dự án sai quy định pháp luật.

Với hành vi miễn tiền sử dụng đất có khả năng gây thiệt hại ngân sách gần 2,6 tỷ đồng, thanh tra đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ, trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện tiêu chí thì bãi bỏ các ưu đãi; trường hợp có dấu hiệu hình sự chuyển CQĐT làm rõ, xử lý.

Đề nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND Hà Nội rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án QHXD đã phê duyệt, TMB, PAKT được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết, quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Các đồ án QHXD được duyệt, TMB, PAKT được chấp thuận phải được gửi đầy đủ hồ sơ đến UBND cấp huyện để triển khai thực hiện, quản lý, cung cấp thông tin khi có yêu cầu, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chỉ đạo, tổ chức, đôn đốc thực hiện đầu tư xây dựng với các ô quy hoạch công viên cây xanh, công trình hạ tầng xã hội đô thị, các diện tích đất cây xanh trong từng dự án công viên để đảm bảo đồng bộ các công trình phục vụ đời sống cư dân đô thị, đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị Thủ đô; chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các vi phạm, tồn tại được nêu trong KLTT.

Đọc thêm