Quý I/2019: 1,1 tỷ USD vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản

(PLVN) - Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra tại “Diễn đàn toàn cảnh thị trường Bất động sản và tài chính 2019” được tổ chức sáng ngày 4/5, tại Hà Nội.
Quý I/2019: 1,1 tỷ USD vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản

Vấn đề Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng trong bối cảnh vốn FDI đổ vào thị trường nhà đất Việt Nam từ đầu năm 2019 được nhiểu người quan tâm. Đặc biệt, mới đây Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với khách vay mua nhà, mua đất có số tiền từ trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150% (siết tín dụng vay mua nhà trên 3 tỷ đồng). Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đem cho vay vào lĩnh vực bất động sản trong trung và dài hạn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thị trường đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Riêng trong quý I/2019, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó chủ yếu là bất động sản công nghiệp.

"Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án. Nguồn vốn ngoại đang rót nhiều vào Việt Nam trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản” - ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khởi, đến cuối năm 2019 dự kiến có 4 đạo luật sửa đổi, trong đó có Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, điều này sẽ tạo ra nhiều tác động tới thị trường bất động sản.

Cụ thể như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp được trình Quốc hội nhằm giảm điều kiện đầu tư, mở rộng hình thức kinh doanh cho một số doanh nghiệp; Luật Xây dựng cũng dự kiến sửa đổi một số hoạt động trong đầu tư xây dựng; Luật Nhà ở có hiệu lực hơn 3 năm nhưng cũng có một số nội dung phải nghiên cứu sửa đổi như mở rộng hình thức đầu tư, dành ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội… 

Thời gian tới, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cũng có thể sẽ rất hạn chế mà chuyển sang hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng đó, sẽ xuất hiện một số mô hình tài chính mới phục vụ thị trường bất động sản như: Quỹ tiết kiệm Nhà ở; Quỹ đầu tư… nhằm hoàn thiện các định chế tài chính, bổ sung nguồn vốn đầu tư.

“Việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đối với bất động sản cũng là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại chiến lược và nguồn lực đầu tư” - ông Khởi nói.

Thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, trong quý I/2019, thị trường bất động sản Hà Nội có sự giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường. Cụ thể, lượng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý I/2019 chỉ bằng 31,5% so với quý IV/2018 và bằng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại TP. HCM, tình hình cũng không có nhiều cải thiện so với Hà Nội. Cụ thể, có rất ít nguồn hàng mới được đưa vào thị trường TP. HCM. Nguồn cung thấp dẫn đến lượng giao dịch của thị trường bất động sản tại đây cũng giảm mạnh so với quý IV/2018.

"Việc nguồn cung hạn chế cùng sự phát triển kinh tế sẽ là những yếu tố khiến giá bất động sản tăng nhẹ trong những tháng cuối năm và trong thời gian tới” - ông Hà nhận định.

Đọc thêm