Theo Pháp lệnh Công an xã 2008,công an xã là lực lượng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác. Đây là lực lượng tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...
Tại điều 9 Pháp lệnh này quy định rõ ràng nhiệm vụ quyền hạn của công an xã. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm đến các quyền cụ thể sau:
Công an xã có quyền tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã hay xử phạt vi phạm hành chính, lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác với người vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, đuổi bắt người phạm tội..., công an xã được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân, nhưng họ phải trả lại ngay khi tình huống chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Công an xã có quyền xử phạt vi phạm giao thông
Theo quy định của pháp luật, ngoài cảnh sát giao thông đường bộ theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 30/10/2012 còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Căn cứ Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định các lực lượng có thể được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Cảnh sát khác (gồm: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động , Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát bảo vệ, và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Tuy nhiên, việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.
Một khía cạnh khác cần phải biết nữa đó là khi không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Nghị định số 27/2010/NĐ-CP, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho phép công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong một số trường hợp. Cụ thể:
- Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông đường bộ và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Công an xã được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng.
- Trưởng công an xã có thẩm quyền xử phạt khi người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông; không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ôtô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
- Khi người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông…, trưởng công an xã cũng có thẩm quyền xử phạt./.