Trận quyết đấu nảy lửa giữa 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng Gucci và Guess cuối cùng cũng đã đến hồi kết với phần thắng nghiêng về Gucci bằng một phán quyết của tòa án, buộc Guess phải bồi thường 4,66 thiệt hại vì đã sao chép các thiết kế đã được đăng ký độc quyền của Gucci.
|
Mẫu giày của Gucci và Guess. Ảnh: Cocoperez |
Hãng thời trang nổi tiếng có bề dày lịch sử hơn 90 năm qua của Italia đã đệ đơn kiện chống lại thương hiệu có trụ sở tại Los Angeles của Mỹ từ năm 2009. Theo Luật sư Luis Ederer – đại diện của Gucci trước tòa - chữ “G” trong logo của Guess thoạt nhìn rất giống biểu tượng của thương hiệu Gucci, khiến khách hàng dễ nhầm tưởng rằng mua được hàng hiệu của Italia với giá rẻ, trong khi thực tế họ lại đang tiêu thụ các sản phẩm của Guess.
Đơn kiện của hãng thời trang nổi tiếng Italia cũng đã liệt kê 150 sản phẩm của hãng đã bị Guess sao chép kiểu dáng gồm quần áo và một số đồ dùng thiết yếu khác. Gucci cáo buộc Guess đã tận dụng mạng lưới bán sỉ và cửa hàng online của mình để bán những mặt hàng có thiết kế tương tự nhưng rẻ gấp nhiều lần so với giá chính hãng.
“Đây không phải là việc theo kịp những xu hướng thời trang mà là một kế hoạch lớn và phức tạp của Guess hòng ăn cắp những thiết kế nổi tiếng nhất và mang tính biểu tượng của Gucci” – luật sư Ederer cáo buộc.
Sau phiên tòa kéo dài 3 tuần ở Manhattan, Thẩm phán Shira Scheindlin ngày 21/5 vừa qua đã ra phán quyết buộc Guess phải trả 4,66 triệu USD cho Gucci. Theo thẩm phán Scheindlin, số tiền này là khoản lợi nhuận mà Guess đã thu được từ việc sử dụng trái phép thương hiệu Gucci. Bên cạnh đó, tòa cũng cấm Guess sử dụng 3 trong 4 đặc trưng thiết kế của Gucci, gồm có những sọc kẻ màu xanh lá cây và đỏ, thiết kế tạo hình kim cương từ những chữ G, biểu tượng chữ “G” lồng vào nhau.
Tuy nhiên, khoản tiền bồi thường 4,66 triệu USD chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền 221 triệu USD mà hãng thời trang danh tiếng Italia yêu cầu Guess bồi thường vì đã sử dụng biểu tượng chữ “G” gây nhầm lẫn cho khách hàng, dẫn đến những tổn thất lớn về mặt lợi nhuận của Gucci.
“Với việc những tranh chấp đã được giải quyết và đảm bảo quyền lợi của Gucci như đã đề cập ở trên, tôi hy vọng rằng sự xấu xí này sẽ chỉ giới hạn trên những sàn diễn thời trang và những cửa hiệu thay vì tràn qua các tòa án như vậy” – thẩm phán Scheindlin phát biểu sau phiên tòa.
Các thương hiệu nổi tiếng luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giá của các sản phẩm chính hãng lại luôn tỉ lệ thuận với đẳng cấp của thương hiệu. Vì vậy, rất nhiều người tiêu dùng đã chọn giải pháp sử dụng hàng giả để có được món hàng mà mình mơ ước, dù chỉ là giả, với số tiền bỏ ra hợp lý. Đây cũng chính là lý do để các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái có “đất” sinh tồn.
Theo tờ New York Times, tổng doanh thu hàng nhái trên thị trường quốc tế mỗi năm ước tính lên đến 500 tỉ USD. Chỉ riêng tại New York, hoạt động thương mại này thu về 80 tỉ USD, đồng nghĩa với việc thành phố này thất thu 1 tỉ USD tiền thuế mỗi năm. Các thương hiệu nổi tiếng cũng luôn phải chật vật tự tìm giải pháp chống lại các trường hợp ăn cắp, sao chép thương hiệu của mình để tránh thất thoát nguồn thu và ảnh hưởng đến danh tiếng.
Điển hình có thể kể đến những đơn kiện của hãng máy tính nổi tiếng Apple tố cáo đối thủ kinh doanh Samsung sao chép thiết kế máy tính bảng, các vụ kiện của chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald…
Năm 2008, Gucci cũng từng thành công trong vụ kiện Tập đoàn sản xuất giày dép Senda ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc với cáo buộc mẫu giày Senda vi phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp bằng việc tự in biểu tượng Gucci lên các sản phẩm của mình khi chưa được phép của Gucci và bán sản phẩm với giá chỉ bằng 1/15 đồ chính hãng.
Tòa án Thượng Hải khi đó đã ra phán quyết buộc Senda phải bồi thường cho Gucci 25.700USD và buộc các chủ cửa hàng tại một trung tâm thương mại cao cấp ở Thượng Hải cam kết không bán hàng Gucci rởm nữa.
Bảo An (Theo Huffington Post, Bloomberg)