Tuy nhiên, chi phí phát hành thẻ ở Việt Nam quá cao, cộng với những bất cập trong vấn đề an ninh, bảo mật thanh toán đã khiến không ít người quan ngại sâu sắc đối với việc thanh toán qua thẻ.
Nhiều lợi thế nhưng lắm rủi ro
Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên vào năm 1996, đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.
Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.
Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…
Mặc dù đánh giá thị trường còn rất nhiều cơ hội nhưng các chuyên gia ngân hàng cũng khuyến cáo việc khai thác không hề dễ dàng. Người dân Việt Nam còn thói quen sử dụng tiền mặt khi có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM và chỉ có 10% còn lại là dùng để thanh toán qua POS.
“Dù là quốc gia có dân số trẻ, nhưng tỷ lệ người dùng thẻ ở Việt Nam chưa cao. Trung bình cứ mỗi 1.000 dân Việt Nam chỉ có 1,06 máy chấp nhận thẻ, trong khi ở Thái Lan là 5 máy và Malaysia là 8 máy. Số lượng thẻ phát hành tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn số điểm chấp nhận thanh toán”- TS Nguyễn Thanh Bình (Học viện Ngân hàng) cho biết.
Một điểm hạn chế nữa là các điểm chấp nhận thẻ tại Việt Nam tập trung phần lớn ở TP HCM và Hà Nội, đó là chưa kể nhiều ngân hàng cùng đặt máy chấp nhận thẻ tại một địa điểm. Điều này cho thấy chủ thẻ chưa thực sự thuận tiện khi sử dụng thẻ. Trong khi đó, chất lượng các máy ATM cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Tình trạng các máy ATM “chết” không có tiền, treo máy, hệ thống đường truyền hay bị tắc nghẽn, bị nuốt thẻ... gây phiền phức khiến người sử dụng quay lưng với dịch vụ thẻ ngày càng nhiều.
Theo Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng thì ngân hàng thanh toán có nghĩa vụ yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ không được phân biệt giá trong thanh toán thẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vẫn tính phí từ 1 - 1,5% với những khách hàng thanh toán bằng dịch vụ cà thẻ. Ở một số siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chủ các doanh nghiệp tuy không tính phụ phí với khách hàng cà thẻ nhưng lại tự động cắt giảm các chương trình khuyến mại nếu người dân chọn hình thức này.
Không chỉ vậy, việc phát triển nhanh các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam cũng sẽ đồng thời dẫn tới sự bùng phát các vi phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, với những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thương mại), một hạn chế rất lớn trong thời gian qua của TMĐT nước ta là vấn đề bảo mật và bảo đảm trong thanh toán trực tuyến. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh TMĐT chưa xây dựng được các giải pháp bảo mật tổng thể, mà chỉ quan tâm đến cách khắc phục từng sự cố khi hệ thống nhiễm virus hoặc bị tấn công... và phần lớn không tìm ra được hacker xâm nhập bất hợp pháp, lấy cắp dữ liệu từ xa.
Khách hàng quan ngại
Chính vì những rủi ro trên, gần đây nhiều khách hàng là cá nhân đã không còn mặn mà với việc thanh toán qua thẻ. Thậm chí nhiều cán bộ, công chức chỉ dùng thẻ để nhận tiền lương và rút tiền ngay sau đó; việc chi tiêu, thanh toán các hóa đơn đều được họ dùng bằng tiền mặt.
“Không chỉ khách hàng ngại thanh toán qua mạng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dịch vụ cũng chưa chú trọng kênh bán hàng này, họ ngại giao dịch với khách hàng qua mạng vì hầu hết đều thích trả bằng tiền mặt”- TS Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên cả nước của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 cho thấy, mức độ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử trong các giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân còn rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng lên.
Tỉ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán chỉ 16%, không có sự khác biệt lớn so với các năm trước. Hình thức thanh toán qua ví điện tử cũng chỉ được 4% doanh nghiệp sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Trong khi các kênh thanh toán hiện đại như qua các thiết bị di động mới đang hình thành thì ở Việt Nam, giao hàng thu tiền vẫn là kênh thanh toán phổ biến nhất.
Một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào công nghệ, phát triển kênh bán hàng trực tuyến đến tay người tiêu dùng nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp sau một thời gian triển khai do giao dịch ít, không thể bù đắp chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp khác thấy vậy cũng nản và không đầu tư cho kênh này. Trên thực tế có khá nhiều doanh nghiệp e ngại những rủi ro trong thanh toán trực tuyến nên cho khách hàng đặt qua mạng rồi giao sản phẩm, thu tiền mặt.
Dưới góc độ người mua, nhiều khách hàng chia sẻ lý do ngại trả tiền trước vì sợ chất lượng sản phẩm không như quảng cáo. Bởi vậy, muốn thay đổi điều này phụ thuộc rất lớn vào nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong việc tạo niềm tin cho khách hàng.
Tạo niềm tin trong thanh toán trực tuyến
Để khuyến khích người dân dùng thẻ và các phương thức thanh toán không dùng bằng tiền mặt, theo một số chuyên gia kinh tế, thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý liên quan đến việc sử dụng thẻ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh số lượng POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện hiện đại cần được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng; chú trọng đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực nông thôn.
Nhấn mạnh đến việc cần thiết phải thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt cũng như nâng cao chất lượng và quy mô sử dụng thẻ ATM, nhưng ông Dương Đức Thắng (Học Viện Tài chính) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, với tâm lý dân chúng còn nặng về tích lũy và sử dụng tiền mặt trong thanh toán thì việc dùng những biện pháp mạnh mẽ ngay lập tức sẽ không có hiệu quả; đây là vấn đề cần có sự dịch chuyển dần dần. Cùng với đó, khung pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt cần sớm hoàn thiện theo hướng thúc đẩy, khuyến khích, định hướng và có tính hiệu lực cao.