Rạng danh những chiến công Đường Hồ Chí Minh trên biển

Để độc giả hiểu thêm về những đóng góp, những giá trị của con đường huyền thoại - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng ý kiến của Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Hôm nay - 21/10, tại TP. Hải Phòng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt  Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011)…
Bộ đội Lữ đoàn 125 huấn luyện trên biển

Để độc giả hiểu thêm về những đóng góp, những giá trị của con đường huyền thoại - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng ý kiến của Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

* Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân: Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển trong tình hình mới

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với các tuyến vận chuyển khác như: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ; đường ống xăng dầu; đường vận chuyển quá cảnh qua Campuchia và đường hàng không; đường chuyển ngân, Đường Hồ Chí Minh trên biển đóng một vai trò hết sức quan trọng vào thắng lợi chung, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 
Mặc dù phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn: địch tổ chức đánh phá, ngăn chặn khốc liệt; trang thiết bị, kinh  nghiệm và hiểu biết của ta về vận tải biển chưa nhiều, nhưng với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, thần tốc, táo bạo, sử dụng linh hoạt nhiều loại tàu thuyền, nhiều cung, nhiều tuyến vận tải khác nhau, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 603, 759 và Lữ đoàn 125 đã cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải nơi có tuyến đường đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược trên  biển.
Tôi không có sự so sánh nào cả, vì trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện, khả  năng vận chuyển hàng hóa, vũ khí, con người cho chiến thắng thế nhưng hiệu quả của Đường Hồ Chí Minh trên biển vô cùng to lớn. Đường Hồ Chí Minh trên bộ tồn tại 16 năm (từ tháng 5/1959-1975) với chiều dài 20.000 km gồm cả đường trục, đường xương cá, đường nhánh…

Trên con đường này, 120.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã vận chuyển được hơn 1 triệu tấn vũ khí, hàng hóa, hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ ra Bắc, vào  Nam, nhưng con số thương vong lớn(hàng vạn người). Trong khi đó, để vận chuyển 100 tấn vũ khí, hàng hóa, một con tàu chỉ cần 20-30 cán bộ, chiến sĩ, đi suôn sẻ trong vòng 2 tuần.

Trong suốt 14 năm hoạt động kể từ khi Đoàn 759 được thành lập (ngày 23/10/1961), theo quyết định của Bộ Quốc phòng, cho đến những chuyến tàu chở hàng hóa, vũ khí phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các lực lượng của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển được 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, lương thực từ miền Bắc vào các tỉnh miền Trung và Nam Bộ; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa; đưa đón 80.026 lượt cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Trong tổng số 1.879 chuyến đi, chỉ có 50 chuyến phải quay về, còn 1.829 chuyến tới đích, tổn thất ít(có 76 liệt sĩ). Không con tàu nào bị bắt sống, đầu hàng, số vụ phải phá hủy tàu để xóa dấu vết thấp, tổng số tổn thất hàng vận chuyển là 7% (còn 93% số lượng hàng hóa tới đích).

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó trong điều kiện địch tổ chức ngăn chặn, phong tỏa rất gắt gao là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt, tài tình, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương cũng như ý chí, quyết tâm cao toàn quân và toàn dân.

Thông qua hoạt động vận chuyển và chiến đấu, lực lượng vận tải biển nói riêng, Quân chủng Hải quân nói chung đã có bước trưởng thành vượt bậc. Từ những chiếc tàu gỗ đánh cá thô sơ trong những ngày đầu thành lập, đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có những đội tàu tương đối hiện đại, trọng tải lớn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài tiên tiến, không chỉ đủ sức đảm đương nhiệm vụ vận tải mà còn trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.

Tinh thần và bản lĩnh cách mạng, trình độ chỉ huy và khả năng trực tiếp chiến đấu của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân qua đó cũng được tôi luyện, thử thách và trở thành những cán bộ nòng cốt của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trước đâu, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

* Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự giúp đỡ to lớn của quốc tế cho con đường Hồ Chí Minh trên biển

Những sự giúp đỡ của quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ đã góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là của Trung Quốc, đối với con đường vận chuyển trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một ví dụ tiêu biểu.

Dai ta Nguyen Manh Ha (1).JPG
Từ năm 1954, hàng chục cán bộ, công nhân Việt Nam đã được nhận sang học tại Trường chuyên nghiệp đóng tàu Thượng Hải của Trung Quốc. Trong số này, có đồng chí Trịnh Xương. Sau 5 năm học, với vốn liếng, kinh nghiệm tích lũy được, ông đã trở về và trở thành cán bộ chủ chốt của ngành đóng tàu Việt Nam.
Trịnh Xương từng là “kiến trúc sư trưởng” của hầu hết các con tàu không số làm nhiệm vụ vận chuyển người, vũ khí, hàng hóa vào miền Nam. Từ những thuyền vỏ gỗ nhỏ, có trọng tải nhỏ từ 5-7 tấn, tốc độ chậm, được đóng theo kiểu những con tàu đánh cá ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ cuối những năm 1959, đầu 1960, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, cán bộ, công nhân Xưởng đóng tàu 3 của Hải Phòng đã mày mò nghiên cứu và đóng được các con tàu vỏ gỗ hai đáy với sức chở 35 tấn, rồi đến các con tàu vỏ sắt trọng tải 100 tấn, có tốc độ nhanh hơn, phục vụ yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường và đối phó với các hành động bao vây, truy đuổi của kẻ thù.

Trong số các tàu sắt của Đoàn 759 (sau đổi là Đoàn 125) có nhiều tàu được các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đóng giúp vì bạn có điều kiện về kỹ thuật thiết kế, trình độ tay nghề nên chất lượng tàu đảm bảo hơn, có thể chống chọi được sóng gió cấp 7, cấp 8, trong khi khả năng đóng tàu của Việt Nam chưa thể đáp ứng được.

Đại tá Trần Thế Dân, hiện công tác tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, là một trong số gần 50 người sang tiếp nhận tàu vận tải quân sự của Trung Quốc, nhớ lại: Đầu tháng 4/1972, Quân chủng Hải quân giao cho Đoàn 125 (lúc này đóng tại Trạm Giang, Hải Nam, Trung Quốc), tổ chức đoàn tiếp nhận tàu do bạn đóng giúp tại TP. Quảng Châu. Đây vừa là đợt tiếp nhận, vừa là lớp học tại chỗ về cách sử dụng và đưa tàu về đơn vị. Trong đợt này, Hạm đội Nam Hải bàn giao cho ta 4 tàu chở hàng quân sự.

Mỗi tàu có chiều dài khoảng 50 mét, được đóng theo dạng tàu đánh cá, có hai khoang chứa hàng rộng, ở từng khoang có cả cần cẩu hàng. Tàu được thiết kế hợp lý cho tác nghiệp của nhân viên kỹ thuật và thủy thủ; được trang bị các loại súng 12,7mm, 14,5mm, trang bị cá nhân có súng AK, B40, B41...

Sau khi tiếp nhận tàu là thời gian bạn nhiệt tình hướng dẫn chuyên môn cả lý thuyết và thực hành, sửa chữa cho từng người để có thể sử dụng thành thạo máy móc và các tính năng kỹ thuật trên tàu; kể cả việc phải học chéo một số loại máy khác nhau như báo vụ, đo sâu, các việc trên mặt boong... để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Kết thúc nửa tháng học hỏi, cả 4 tàu tổ chức hội thảo đánh giá kết quả tiếp nhận, sử dụng tàu, sau đó rời Quảng Châu về nước nhận nhiệm vụ mới.

Các con tàu của Trung Quốc đã đi hàng chục, hàng trăm chuyến vào Nam ra Bắc, vận chuyển được hàng chục ngàn tấn hàng các loại và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, sau khi đế quốc Mỹ thả mìn và thủy lôi phong tỏa các cửa sông, cửa biển ở miền Bắc (từ tháng 5/1972), gây nhiều khó khăn cho việc nhận và chuyên chở của ta, thì việc Trung Quốc cho ta sử dụng một số cảng ở tỉnh Quảng Châu, đảo Hải Nam để tiếp tục nhận hàng viện trợ của các nước, trong đó có nhiều hàng của Trung Quốc và chở vào miền Nam, là một sự giúp đỡ quý báu, đáng trân trọng.

Việc chính phủ Campuchia cho phép ta nhận một số lượng lớn hàng từ cảng Xihanúcvin, sau đó quá cảnh qua đất Campuchia vào Việt Nam, cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho ta trên cả tuyến đường biển cũng như đường bộ...

Lam Hạnh (ghi)

Đọc thêm