Ở tuổi 104, cụ Nguyễn Châu là nghệ nhân đầu tiên của Đà Nẵng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Bén duyên và chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ từ năm 14 tuổi: Kèn, nhị, sáo, nguyệt, tranh, bầu; trong đó xuất sắc nhất là đánh trống chiến… từ trước tháng 8-1954, cụ đã được dân làng phong là Tư Nhạc. Nhưng đặc biệt hơn cả, ngoài việc sưu tập, truyền dạy và phổ biến vốn văn nghệ dân gian dân tộc cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, cụ Nguyễn Châu còn hướng con cháu của mình lấy việc chơi các nhạc cụ truyền thống của dân tộc không còn là nghề mà trở thành nghiệp…
Nghệ nhân Tư Châu trong lễ đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian tháng 6-2010. |
Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó
Cụ Tư Châu (tên thường gọi của cụ Nguyễn Châu) bây giờ không còn nhớ nhiều chuyện của ngày xưa, đôi lúc còn không thể nhận ra con cháu, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngẫu hứng ngâm nga đôi câu Kiều hoặc gẩy vài điệu nhạc. Nhưng có điều đặc biệt là khách đến nhà, đều được cụ chào rất lịch sự: “Chào quý ông, quý bà…”.
Bắt đầu học đàn từ năm 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Châu tỏ ra có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh khi “chỉ cần nhìn qua các ngón đàn của các nhạc công biểu diễn phục vụ trong lễ hội đình làng hay nhạc sinh trong các đám tang hiếu là có thể bắt chước ngay được” - theo lời kể của ông Sáu Bằng - một đồng môn của cụ Châu. Theo học các ngón nghề của những danh cầm nổi tiếng của Huế và Quảng Nam, cụ Tư Châu đã từng làm nhạc cho các đoàn tuồng có tên tuổi thời bấy giờ như đoàn ông Chánh Đệ, đoàn ông Kiểm Chư… đi biểu diễn cùng các đoàn tuồng ở Tam Kỳ, Quế Sơn, Điện Bàn (Quảng Nam), Nha Trang, Huế, Quảng Trị, thậm chí là vào tận Sài Gòn…
Người mới học đàn cũng phải học ca như người học hát, chính vì vậy, có những lúc cụ Tư Châu cũng tham gia biểu diễn hát - lối trên sân khấu. Thậm chí, có những lúc thiếu người, cụ còn sắm vai trong các vở tuồng… Năm 1954, cụ Tư Châu cùng các bậc thầy lão luyện nhạc cụ của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã đồng sáng lập Hội cổ nhạc Đà Nẵng và giữ vị trí chủ chốt của Hội cổ nhạc ngoại ô. Không chỉ tham gia biểu diễn, tập hợp gần 20 người vào đội do cụ dẫn dắt, nghệ nhân Nguyễn Châu còn truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho gia đình, người dân quanh vùng. Học trò cụ nhiều người đã thành danh, nắm các vị trí chủ chốt trong các ban nhạc dân tộc… Nối tiếp ông, các người con của ông đều nhận học trò để truyền nghề.
Cả 7 người con của cụ Tư Châu đều gắn bó với các nhạc cụ cổ truyền dân tộc, ngũ âm hay bát âm đều hòa tấu thuần thục, đánh nhạc đơn lẻ rất nhuần nhuyễn. Tình yêu nghề, sự tâm huyết gìn giữ tinh hoa của văn hóa dân tộc còn được truyền sang đến cháu chắt của cụ. Bốn thế hệ gia đình cụ Nguyễn Châu đều tham gia vào các đoàn văn hóa nghệ thuật. Trong số này tiêu biểu có người con thứ 7 - NSƯT Nguyễn Ninh, nhạc công chính và cũng là Phó trưởng đoàn biểu diễn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. NSƯT Nguyễn Ninh kể: “Gia đình tôi trước đây là nơi bao cân việc ăn ở của rất nhiều đoàn tuồng các nơi về biểu diễn ở Đà Nẵng. Chứng kiến những đêm sinh hoạt đàn hát, tập tuồng của các nghệ sĩ, nên không khí văn nghệ cứ ngấm dần vào máu của mấy anh em. Nhiều lúc ngủ lơ mơ vẫn còn nghe tiếng đàn, tiếng hát hay sự tán thưởng của mọi người về một ngón nghề điêu luyện của ai đó…
Thế nên, 12 tuổi, dù ôm cây đàn nguyệt còn chưa trọn, tôi đã bắt đầu học đàn, từ đàn nguyệt, đàn tranh, sáo… cùng với ba tôi và hai ông thầy khác nữa. Ngủ ngon đến mấy nhưng 5 giờ sáng đã phải thức dậy hầu trà cho thầy rồi. Do chưa có nhạc lý cho các nhạc cụ dân tộc nên anh em chúng tôi đều học theo lối truyền tay, học nhưng cũng phải sáng tạo, chính vì vậy, cần phải có vốn văn hóa nhất định. Cả mấy anh em đều được ba tôi khuyến khích học chữ nho để có thể hiểu được những âm luật cơ bản trong thanh âm”. Có thể khẳng định, đối với các con của cụ Nguyễn Châu, việc chơi các nhạc cụ truyền thống không còn là nghề mà đã trở thành nghiệp. Như trường hợp của người con trai út Nguyễn Lộc - tốt ngiệp trung cấp cơ khí, công tác một thời gian, anh được điều đi theo các công trình thủy điện. Do không thể làm việc xa nhà trong một thời gian dài, anh Lộc bỏ nghề cơ khí, theo thọ giáo ngón đàn từ ba và các anh trong gia đình rồi trở thành nhạc công, chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ.
Từ 50 năm nay, gia đình cụ Nguyễn Châu đã trở thành một ban nhạc nghệ thuật cổ truyền có tiếng trong vùng. Và hầu như các thành viên trong gia đình đều chơi được hầu hết các nhạc cụ dân tộc nên khi “hòa tấu” rất đặc sắc, sinh động. Làng trên xóm dưới thậm chí các địa phương khác có dịp lễ hội, gửi lời mời, cả gia đình lại lên đường đi biểu diễn. Gia đình cụ Châu còn giữ được bút tích câu đối của một nghệ nhân người Huế gửi tặng với nội dung: “Tỉnh tuyển bát âm, phụ chiếm ngân chương độc tấu/ Chế khoa cổ nhạc, tử thừa kim bảng khôi nguyên”.
Số là năm 1992, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội diễn nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ I, anh Nguyễn Ninh tham gia thi ở bộ gõ, biểu diễn với đàn nhị và đoạt Huy chương Vàng. Cũng trong dịp này, địa phương tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng để chào mừng, đội nghệ thuật đại gia đình cụ Châu tham gia và giật giải Huy chương Bạc. Thấy sự kiện trùng hợp khá đặc biệt, một nghệ nhân người Huế qua theo dõi trên đài đã gửi tặng hai câu đối để chúc mừng việc cha con cùng đoạt giải trong hội diễn lớn…
Cốt cách nghệ sĩ
Bài phát biểu của ông Sáu Bằng trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam” của ông Tư Châu có đoạn: “Chắc ở dưới suối vàng, cụ bà đã bớt đi nỗi lo cụ ông bao cân cho việc ăn ở của các đoàn tuồng khi nghèo túng và lúc không bật được ánh đèn sân khấu. Họ kéo về Nghi An bám cụ… Hưng thạnh ban hay Loan Anh, ông bầu Nhưng Đá, Kiểm Chư… Hai Long hay Sáu Phán. Khi hý trường Hòa Phát mở cửa, đèn đỏ bán hết vé, mỗi diễn viên nhận được vài cử; ông bầu được hút bách-tô xanh, ăn bún bò. Ngược lại thì khoai chạc Nghi An, sắn dăm Phước Tường, vạt rau muống vườn đình trơ gốc… Được sắm vai phụ, vai tiên, đời thường nghèo túng trắng tiền không túi. Diễn viên đói, nhạc công no sao được. May sao cụ ông còn hậu phương vững chắc là vợ và các con ở quê nhà”.
Trong ký ức của 7 anh em anh Nguyễn Ninh, ngôi nhà nhỏ ở làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) chưa bao giờ thôi có khách thập phương, khách có thể là các đoàn tuồng từ nơi khác đến tá túc, có thể là bạn đồng môn hay học trò đàn hát của cụ Tư Châu, cũng có thể là những người hâm mộ tài nghệ của cụ mà tìm đến rồi lưu lại chơi vài ngày… Anh Ninh kể: “Nhà tôi cách nhà hát Hòa Phát chưa đầy nửa cây số, nên hầu hết các đoàn tuồng khi đến Đà Nẵng biểu diễn đều tìm đến gia đình tôi tá túc. Khách đến nhà chẳng bao giờ báo trước, và thường lưu lại năm, ba ngày mới về. Khách nghệ sĩ thì ngoài việc phải lo cơm nước, còn phải rượu trà… Một tay bà cụ phải tính toán, thu vén, lo việc đối nhân xử thế sao cho vừa lòng khách, đẹp lòng chồng. Gia đình tôi ngoài làm nông còn chăn vịt đàn lên đến hàng ngàn con, có khi đưa vịt chạy đồng vào đến tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mùa Xuân - Thu là mùa của nông nghiệp, nhưng lại cũng là mùa đàn hát nên ba tôi vắng nhà đi theo các đoàn tuồng suốt. Gánh nặng kinh tế vì vậy hầu như một mình mẹ tôi gánh vác cả”.
Anh Ninh nói thêm: Ngoài học nghề từ cụ ra, anh em chúng tôi học được ở ba tôi lối sống có trách nhiệm với vợ con, không dan díu, không có con rơi. Cùng với việc học đàn, ba tôi luôn giáo dục con cái không được lâm vào vết xe đổ mà người nghệ sĩ thường mắc phải là: rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút sách. Từ cuộc đời của chính ba tôi đã níu giữ chúng tôi bám nghề, cho dù có những giai đoạn nhạc cụ dân tộc rất trầm lắng. Nghề nhạc công không thể làm giàu nhưng không bao giờ đói, và rất giàu anh em bạn bè theo kiểu “đồng thanh tương ứng”…
Hoàng Nhung