Rau organik - “Rau tử tế”

Sau khi tìm hiểu khá kỹ loại rau này (từ cách trồng, chất lượng rau, cho đến cả quan điểm trồng rau của doanh nghiệp), mới thấy có lẽ chỉ từ “tử tế” ấy mới lột tả hết được ý nghĩa của mô hình trồng rau organik.
Xin mượn lại cụm từ “rau tử tế” tôi đọc trên một bài báo đã khá lâu để làm tít cho bài viết về loại rau organik cũ mà mới này ở Đà Lạt, bởi sau khi tìm hiểu khá kỹ loại rau này (từ cách trồng, chất lượng rau, cho đến cả quan điểm trồng rau của doanh nghiệp), mới thấy có lẽ chỉ từ “tử tế” ấy mới lột tả hết được ý nghĩa của mô hình trồng rau organik.
Anh Hùng bên vườn rau organik. Ảnh: Văn Báu

Người ta hay nói, với dân kinh doanh thì lợi nhuận chính là mục đích cuối cùng, nhưng với anh Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Công ty Đà Lạt organik thì quan điểm này có lẽ chưa đúng. Bởi trong suốt 3 giờ ngồi chờ để gặp anh ở nông trại (Đa Thọ, Xuân Thọ, Đà Lạt), nghe những kỹ sư, công nhân ở đây kể về vị giám đốc khó tính và “khùng khùng” của họ, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ chính “cái khó’ và “cái khùng” ấy đã làm nên một quan niệm kinh doanh bằng nghề rau đầy tử tế ở nông trại này.

Tử tế từ quan niệm trồng rau

“Em thấy phong cảnh ở đây đẹp không? Không khí thế nào?...” là câu đầu tiên anh Hùng hỏi khi gặp chúng tôi. Quả thật, là một nông trại trồng rau nhưng nông trại đặc biệt rất sạch, không hề có mùi của phân bón hay rác thải nông nghiệp.

Dạo một vòng, nhận thấy ở đây có nhiều điều rất khác so với các nông trại khác. Từ cách bố trí cửa ra vào nhà kính với bảng hiệu “Vui lòng đóng cả 2 cửa, xin cảm ơn!” được dán ở khắp nơi, đến mương thoát nước, cách bố trí luống rau, kể cả cách trang trí nông trại bằng những hàng cây hai bên đường, luống hoa đủ loại, đủ màu sắc trong và ngoài nhà kính cho đến tác phong, ý thức, thái độ làm việc của công nhân, tất cả đều hướng đến một sự tử tế đầy khoa học không chỉ đối với cây rau, miếng đất trong khu vực nhà kính mà cả với môi trường xung quanh.
Hoa được trồng xen với những luống rau để đuổi côn trùng. Ảnh: Văn Báu

Anh Hùng bảo: “Nghề nông nghĩ là dễ nhưng mà lại rất khó. Ở đây, tôi đang xây dựng một mô hình trồng rau hướng đến sức khỏe của con người. Không chỉ đơn thuần là việc cho ra những cây rau có hàm lượng chất tốt nhất, mà còn là cách trồng rau không sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào gây tổn hại đến môi trường đất, nước, không khí.”

Tử tế trên đồng ruộng

Đưa chúng tôi ra khoảnh đất rộng, nơi dành để chứa phân bón cho rau ngay cạnh đường đi, không hề có mùi của phân như người ta vẫn nghĩ về tên gọi của nó, anh Hùng giải thích: Đây là phân bón hữu cơ được ủ từ các phế phẩm nông nghiệp tận dụng từ chính các phể phẩm của trại, chúng được chế biến, xử lý và ủ theo công thức khoa học. Sau khi thành phân để bón cho rau, hoàn toàn không còn mùi như những loại phân tươi khác.” Anh bảo đây cũng chính là loại phân bón duy nhất sử dụng ở nông trại này. Cách đó không xa là hồ chứa nước bơm từ thung lũng lên với hệ thống sục khí bố trí dưới đáy hồ để đẩy rác và các chất gây hại khác ra khỏi nước, sau đó nước này mới được đem tưới cho cây. Hồ nước trong vắt có thể rửa được cả rau để ăn.

Nhìn cách bố trí vườn, hệ thống tưới, cách trồng và chăm sóc, có thể thấy rằng, rau ở đây được sản xuất trong sự hài hòa với hệ sinh thái tự nhiên, không làm tác động đến môi trường. “Nông trại đã đề ra những nguyên tắc rất nghiêm ngặt là làm sao phải giữ vững và nâng cao được sức khoẻ của đất, của cây, của cả những loại côn trùng trong tự nhiên, từ đó mới có thể nâng cao được sức khoẻ của con người và môi trường” – anh N.V. Thuận, kỹ sư của nông trại nói.

Với quan điểm trồng rau như vậy nên thuốc hóa học là cái tên không xuất hiện trong nông trại rau organik này. Và vì “tẩy chay” chất hóa học nên để trừ sâu bọ, nông trại áp dụng rất nhiều phương pháp khoa học dựa vào tự nhiên khác nhau để hạn chế tối đa sự xâm nhập của các loại sâu bệnh. Anh Thuận chỉ những luống hoa trồng trong vườn và phía ngoài nhà kính, giải thích – “chúng không chỉ có tác dụng làm đẹp không gian cho trại mà còn mang lại những hiệu quả hữu ích cho cây rau. Ví dụ: luống hoa cúc vàng nhiều phấn này được trồng xen cạnh luống rau để dẫn dụ côn trùng, để tránh bọ nhảy tấn công cải, chúng tôi trồng xen một loại cải xanh hợp khẩu vị của con bọ nhảy để dụ chúng, hoặc trồng xen cạnh vườn cà chua, ớt chuông với một luống rau bạc hà, luống hoa…”  Những cách này có thể không đạt hiệu quả cao bằng phun thuốc trừ sâu nhưng bù lại, cả sản phẩm và đất cũng như môi trường sẽ tuyệt đối an toàn.

Hy vọng thay đổi nhận thức cho nghề trồng rau.

Anh Thuận, kỹ sư nông trại Đà Lạt Organik phân tích: Rau organik này hoàn toàn trồng theo phương pháp hữu cơ. Chúng không phát triển theo thời gian canh tác như các loại rau củ bình thường. Mỗi loại rau, quả từ khi gieo đến khi thu hoạch đều được tính toán cẩn thận khoa học từ trước và có nhật ký đồng ruộng theo dõi, ghi chép nghiêm ngặt. Thời gian thu hoạch thường là ngắn hơn vì vậy mà cũng tích lũy được nhiều chất bổ dưỡng, cho mùi vị đặc trưng và đậm đà. Giá cả loại rau này do đó cũng cao hơn khoảng 30% so với rau an toàn.

Hiện nay, loại rau organik này đang được nhiều người dân có thu nhập khá tại Đà Lạt quan tâm tìm mua, thị trường ở các thành phố lớn cũng đang ưu chuộng nhưng vẫn chưa được nông dân Đà Lạt đầu tư phát triển rộng rãi nên nguồn cung còn hạn chế. Anh Hùng cho rằng, lý do nông dân Đà Lạt vẫn chưa mặn mà với kiểu trồng rau này, bởi năng suất thấp hơn các loại rau, củ, quả bình thường ( do sản phẩm chủ yếu thu hoạch từ khi còn nhỏ), trong khi việc chăm sóc lại đòi hỏi nhiều công sức tỉ mỉ hơn, phải theo đúng quy trình và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt mới được thị trường chấp nhận.

Do tính chất thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, trái với tình trạng sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên các loại rau này còn đòi hỏi nghiêm ngặt cả về chất lượng đất khi đầu tư trồng trong khi người nông dân hiện vẫn còn quen với cách trồng rau truyền thống, chú trọng đến năng suất.

Bày tỏ về hướng phát triển sắp tới của loại “rau tử tế” này, anh Hùng tỏ ra khá trăn trở: “Tôi rất muốn phát triển mạnh cách trồng loại rau này, nhưng chi phí đầu tư rất lớn, thêm nữa với kiểu canh tác lâu nay của đa số người dân khiến chất lượng đất nông nghiệp hiện nay của Đà Lạt bị mất chất khá nhiều, nên cũng thật khó để kiếm được vị trí thuận lợi để đầu tư. Sắp tới, tôi đang tính chuyện hợp tác với một nhóm nông dân cùng tâm huyết, ý tưởng để phát triển diện tích rau organik rộng hơn.” Anh Hùng cũng cho biết, hiện nay với 4 ha rau organik của Công ty, đơn đặt hàng đến khá nhiều nhưng với 4 ha hiện nay Công ty chỉ đủ cung cấp cho một số nhà hàng 4,5 sao tại Đà Lạt, Sài Gòn, Phú Quốc và khoảng 100 hộ là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.

Xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ này đang dần tạo ra sự thay đổi về nhận thức rộng lớn cho nghề trồng rau.
Nguyên Thi

Đọc thêm