Không ít nàng dâu, khi hỏi đến thì bảo... sợ Tết. Vì cả năm có mỗi ngày Tết là phải về nhà chồng với bao trách nhiệm, lại luôn phải kề cận bên cặp mắt xét nét của nhà chồng. Ngược lại, nhiều chàng rể thì bối rối, khổ sở với nhiều tình huống... ăn Tết nhà vợ.
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Vui, nhưng… nghẹt thở
Trần Minh Tuấn là chàng trai Cần Thơ. Vô Sài Gòn học, rồi làm ăn sinh sống, anh quen và kết hôn với chị Lê Thị Thanh Diệp, quê Quảng Ninh.
Trai Nam gái Bắc yêu nhau, trong cuộc sống vợ chồng đã phải dung hoà nhiều khác biệt trong lối sống, sinh hoạt, ăn mặc, thậm chí cả khẩu vị ăn uống. Chị Diệp vợ anh con gái Bắc đảm khéo, chiều chồng nên mấy năm về Cần Thơ quê anh ăn Tết, bà con hai họ ai cũng khen "cái thằng vụng về mà lấy được con vợ Bắc ngon lành, Tết về chu đáo khỏi chê".
Tết năm ngoái, theo mong muốn của vợ và yêu cầu của cha mẹ vợ, vợ chồng anh khăn gói ra Bắc ăn Tết. Đó là cái Tết đáng nhớ với anh Tuấn.
Ngày xuân đất Bắc se lạnh, lãng đãng sương. Cảnh sắc đẹp đẽ, Tết Bắc đậm bản sắc với các phong tục, lễ hội khiến anh Tuấn vô cùng thích thú. Thế nhưng nhiều tình huống tréo ngoe đã khiến anh dở khóc dở cười.
Anh Tuấn đàn ông Nam bộ chân chất, xuề xoà, trong khi gia đình vợ lại gia giáo, lễ nghĩa có tiếng. Ngày Tất niên, nhà dọn ra ba mâm cơm từ trước ra sau nhà. Mâm lớn nhà trước dành cho các cụ vai vế lớn trong họ, mâm giữa nhà cho cánh đàn ông và mâm sau cho đàn bà con gái.
Không biết tục lệ, anh Tuấn cứ thấy mâm có bố vợ ngồi là trèo đến ngồi bên cạnh, ăn uống nói cười vui vẻ mà không để ý các cụ đang nhìn mình chòng chọc.
Lát sau, bà mẹ vợ phải đến "nói khéo" con rể ra sau nhà nhờ tí việc, rồi mới thì thầm cho anh biết, khiến anh Tuấn sượng trân.
Giao thừa, ở nhà anh Tuấn không có thói quen cùng thức đón thời khắc mới của năm, nên chỉ hơn 10h là anh tìm góc nhà lăn ra ngủ khì. Đến lúc cúng giao thừa, bố vợ sai em rể chạy tìm anh khắp nơi để họp mặt gia đình.
Rồi cách ăn nói xuề xoà, thoải mái của đàn ông miền Tây, nó khác hẳn cái sự chỉn chu, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói của các cụ miền ngoài, mà nhất là ngày Tết, thế nên mới có chuyện, anh Tuấn mở miệng nói câu nào là y như bố vợ cau mày vì toàn nói ra những điều đầu năm kiêng cữ...
Còn nữa, là những tập tục, thói quen, anh Tuấn phải học từ lời chúc Tết cho đến cách chào hỏi, ăn uống...
Tết năm nay, chị Diệp lại rủ chồng về Quảng Ninh ăn Tết, anh Tuấn lắc đầu quầy quậy: Thôi cho anh thư thả vài năm nữa đã, Tết quê em vui thì vui nhưng mà... nghẹt thở quá, anh không quen!
Rể Tây sợ Tết vì “tào tháo”
Với Will Steward, chàng kĩ sư người Mỹ, thì cái Tết Việt là một mùa Lễ hội vui và rắc rối nhất anh từng trải qua.
Trịnh Mỹ Như, vợ anh là con gái Hà Nội, sang Mỹ du học, họ cưới nhau và định cư tại bang Michigan. Do công việc bận rộn, Steward chỉ mới về Việt Nam có đúng một lần sau khi cưới. Tám năm sau, năm 2011, khi họ đã có một đứa con trai sáu tuổi, hai vợ chồng quyết định về Việt Nam ăn Tết.
Đón cái Tết Việt Nam, Steward rất ngỡ ngàng vì không khí cổ truyền, tươi vui và ấm áp. Thế nhưng, điều khó khăn nhất với anh là không biết tiếng Việt. Vợ anh dạy anh vài câu tiếng Việt chúc Tết như "Chúc bố mẹ mạnh khoẻ", "Chúc ông bà sống lâu", "Chúc các cháu học giỏi", thì anh cứ lẫn lộn lung tung, lúc thì "Chúc ông bà học giỏi", lúc thì "Chúc các cháu sống lâu", làm cả nhà và khách khứa cứ bò lăn ra mà cười.
Nhà vợ chuẩn bị mổ lợn lấy thịt gói bánh, vừa mới chọc tiết lợn thì nghe tiếng thét từ phía sau nhà, rồi tiếng khóc oà, sau đó là tiếng Tây xí xa xí xố làm cả gia đình hoảng hồn. Phút sau thấy Steward dắt cậu con trai Phillip chạy ra, mặt xanh lét.
Hoá ra, cậu bé Phillip lén đứng xem cảnh mổ lợn rồi khóc thét, ông bố Tây chạy vào dắt con ra, chứng kiến cũng sợ hết vía. Hàng xóm cười: Ông bà này có thằng con rể lạ thật, mổ lợn mà cũng sợ.
Mới mùng hai Tết, chị Mỹ Như đã phải lặn lội đi tìm cửa hàng nào mở cửa để mua xúc xích xông khói, giò heo muối, phô mai và sữa cho hai cha con vì Steward và Phillip không ăn được các món Tết Việt.
Chàng rể khi ngồi vào mâm thì hào hứng lắm, đến lúc ăn kiệu, ăn dưa hành muối đều nhè ra vì vị không quen. Được cái nem chua khen ngon, nhưng khi biết đó là thịt sống lại chạy ra sau nhà nhổ mất.
Lại thêm "sự cố" khi không biết Steward ăn phải thứ gì, hay không quen thức ăn Tết Việt mà bị "Tào Tháo đuổi" từ mùng 3 cho đến tận mùng 5 Tết. Sau đó thì ai đưa món Việt nào cũng lắc đầu quầy quậy, miệng "No, no".
Bố chị Như càu nhàu: Biết vậy hồi đó tao gả mày cho đàn ông Việt. Đàn ông Tây chán quá, ở bên ấy chắc mày chăm nó như chăm con nhỉ? Chị Như phải rối rít giải thích với bố, rằng Steward vốn bình thường đã khá khó khăn trong ăn uống, bao tử lại hơi yếu nên mới thế... Nhưng trong lòng buồn bực, chị thầm nhủ từ nay sẽ phải rèn luyện thêm cho đức ông chồng Tây "ỉu xìu" của mình.
Còn nhiều câu chuyện vừa cười vừa mếu của các anh chồng ăn Tết nhà vợ. Có anh về được một năm thì trốn biệt vì con cháu nhà vợ đông quá, ban đầu lì xì rất "sộp", nhưng càng lúc càng nhiều, anh chàng nhẵn túi, phải mượn thêm mẹ vợ.
Có anh vui quá đà, nhậu nhẹt say sưa rồi cãi nhau với anh em nhà vợ, mấy cái Tết sau vẫn chưa làm lành được. Có anh nhà vợ neo người, về phải một mình cáng đáng toàn bộ công việc trước Tết như dọn dẹp nhà cửa, khuân vác đồ nặng mổ gà mổ heo, mệt bã cả người...
Những ngày Tết vất vả nhưng đầy vui vẻ sắp đến, lại sẽ thêm những nàng dâu về nhà chồng đón Tết, những chàng rể về nhà vợ chung niềm tất bật. Và bên trong những câu chuyện buồn cười, những tình huống tréo ngoe bao giờ cũng chứa nhiều niềm vui của ngày xuân đang đến, niềm vui sự niềm hội ngộ, sự sum vầy...
Thu Hiền