Kiboro, một chú rô bốt nhỏ mang hình người, sẽ chuẩn bị bay lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào tháng tới, mang theo nó khả năng đặc biệt: ngắm thế giới và giao tiếp với con người. Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới có một "phi hành gia máy" thực sự.
Tham vọng lớn lao
"Nga là nước đầu tiên chinh phục không gian. Mỹ là nước đầu tiên đi tới mặt trăng. Chúng tôi muốn Nhật Bản sẽ là nơi đầu tiên đưa phi hành gia rô bốt lên vũ trụ để giao tiếp với con người" - những phát biểu này của ông Yorichika Nishijima, giám đốc dự án Kirobo, đã phần nào cho thấy tham vọng lớn nhất hiện nay của Nhật Bản.
Kirobo thử nghiệm giao tiếp với Fuminori Kataoka |
Kirobo ra đời từ nỗ lực hợp tác của nhiều công ty gồm Dentsu, Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ tiên tiến thuộc Đại học Nhật Bản, Robo Garage, Toyota, và Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Dentsu quản lý dự án và tạo ra các "nội dung" hội thoại ban đầu của Kirobo. Đại học Tokyo và Robo Garage thiết kế vẻ bề ngoài của rô bốt, chế tạo các phần cứng. Toyota đóng góp công nghệ nhận dạng giọng nói.
Cái tên Kirobo là sự kết hợp của hai chữ Kibo (Hy vọng) trong tiếng Nhật và robot trong tiếng Anh. Bởi Kirobo không phải thực hiện các hoạt động liên quan tới sức lực nên nó nhỏ hơn nhiều các rô bốt từng đi vào vũ trụ trước đây. Rô bốt này chỉ cao có 34cm và nặng chừng 1kg. Tuy nhiên điểm đặc biệt là rô bốt có thể nhận dạng các gương mặt "thân quen" với nó và có thể giao tiếp một cách tự nhiên với con người.
Nó được trang bị công nghệ nhận diện giọng nói mới nhất hiện nay, bên cạnh các bộ xử lý để phát âm tiếng Nhật một cách tự nhiên nhất. Quan trọng là rô bốt này có thể tự học tập, thu thập các câu nói mới trong quá trình giao tiếp và khiến vốn ngôn ngữ của nó ngày một lớn hơn.
Trong một cuộc thử nghiệm tính năng gần đây, khi Fuminori Kataoka, một trong các giám đốc dự án tới từ Toyota, hỏi Kirobo rằng giấc mơ của nó là gì, rô bốt này đã trả lời: "Tôi muốn tạo ra một tương lai nơi rô bốt và con người có thể sống cùng nhau, ở bên cạnh nhau".
Cộng sự hữu ích
Có thể đó sẽ là tương lai rất xa về sau. Còn trước mắt, đích đến của Kirobo là ISS. Sau khi hoàn tất các cuộc kiểm tra về khả năng hoạt động trong điều kiện không trọng lượng bên cạnh các thử nghiệm an toàn khác, Kirobo sẽ lên ISS trên con tàu vũ trụ H-2 của Nhật Bản, phóng đi từ Trung tâm không gian Tanegashima vào ngày 4/8.
Ban nhạc rô bốt Z đã khiến công chúng Tokyo được phen trầm trồ |
Khi tới đích, Kiboro sẽ chờ phi hành gia Nhật Bản Koichi Wakata lên ISS trong khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 để bắt đầu làm việc. Wakata cũng là phi hành gia Nhật Bản đầu tiên chịu trách nhiệm chỉ huy ISS trong vòng 2 tháng.
Kiboro sẽ thực hiện hàng loạt thử nghiệm giao tiếp với Wakata nhằm giúp phi hành gia này giảm áp lực khi phải sống và làm việc trong một không gian chật hẹp như ISS. Nó cũng giúp Wakata tiến hành các thí nghiệm khác nhau.
Về cơ bản mục tiêu mà Kirobo phải đạt được là kiểm tra xem rô bốt và con người sẽ giao tiếp với nhau tốt tới đâu. Người Nhật đang hy vọng nó sẽ mở đường cho việc rô bốt sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ.
Một người "em song sinh" của Kirobo là Mirata sẽ ở lại Trái đất để phân tích thêm thông tin do Kirobo chuyển xuống. Sau khi Wakata rời ISS trong tháng 6, Kirobo sẽ tiếp tục ở lại trạm vũ trụ này cho tới tận tháng 12/2014.
Khuếch trương năng lực công nghệ
Việc đưa Kirobo lên vũ trụ cũng nằm trong động thái khuếch trương năng lực kỹ thuật rất cao của người Nhật. Tuần này, một ban nhạc máy mang tên Z-Machines, gồm một nghệ sĩ guitare với 78 ngón tay, một tay trống có thể sử dụng 21 dùi gõ và một nghệ sĩ chơi keyboard máy, đã khiến đám đông ở Tokyo trầm trồ kinh ngạc.
Còn đầu tháng này, Hiroshi Ishiguro ở Đại học Osaka, đã gây chú ý tại một cuộc hội thảo ở New York khi giới thiệu một rô bốt giống hệt bản thân mình. Ý tưởng của Ishiguro là rô bốt sẽ giữ vai trò người đóng thế cho ai đó quá bận rộn. Như bản thân ông, dù đi công tác ở châu Âu, đã vẫn có thể thực hiện 4 bài phát biểu ở Osaka nhờ vào rô bốt "đóng thế" này.
Là một trong những nước phát triển rô bốt công nghiệp tiên phong, chính phủ Nhật Bản hiện đã có kế hoạch lắp đặt một triệu rô bốt vào các nhà máy trên khắp đất nước trong năm 2025.
Người Nhật muốn dựa vào sức mạnh của rô bốt để thúc đẩy nền kinh tế hiện đang rơi vào trì trệ của họ. Có vẻ như Nhật Bản đang tiến nhanh tới cái mốc một triệu kể trên, bởi thực tế vào năm 2005, số lượng rô bốt ở Nhật Bản đã vượt quá ngưỡng 370.000 và chiếm tổng cộng 40% lượng rô bốt của thế giới.
Tường Linh