Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường lập các fanpage giả mạo doanh nghiệp hoặc tổ chức uy tín như ngân hàng, trung tâm tiêm chủng... để đăng tin tuyển dụng. Những bài đăng này thường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của người tìm việc.
Sau khi người bị hại liên hệ, các đối tượng sẽ gửi email với địa chỉ gần giống tên của các tổ chức thật (chỉ khác một dấu chấm, ký tự hoặc thêm chữ). Những email này được thiết kế rất chuyên nghiệp nhằm tạo niềm tin. Tiếp đó, để kiểm tra năng lực, các đối tượng yêu cầu người bị hại tham gia các “nhiệm vụ phúc lợi” như chuyển khoản một số tiền nhỏ để thực hiện nhiệm vụ online.
|
Ảnh minh họa |
Theo cơ quan Công an, lần đầu, người bị hại thường nhận lại đầy đủ số tiền cùng với “hoa hồng”, khiến họ tin tưởng. Tuy nhiên, ở những lần sau, các đối tượng sẽ viện cớ như “thao tác sai”, “chuyển thiếu” hoặc “thao tác trùng lặp” để yêu cầu nạp thêm tiền. Nhiều nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền đã mất và tin tưởng vào lần nhận tiền đầu tiên, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau với số tiền cao hơn. Đến khi không còn khả năng tài chính, họ mới nhận ra mình đã bị lừa.
Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Tết. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng đưa ra những lời mời hấp dẫn, hứa hẹn công việc dễ dàng với mức lương cao, khiến không ít người “sập bẫy”.