Rolls-Royce Phantom - xe của đại gia Việt

QTV - Một ngày cuối năm Canh Dần, chiếc Rolls-Royce Phantom sáng bóng nằm trước cửa một showroom ôtô ở Hà Nội, đánh dấu con số 30 xe được nhập về kể từ 2007.

QTV - Một ngày cuối năm Canh Dần, chiếc Rolls-Royce Phantom sáng bóng nằm trước cửa một showroom ôtô ở Hà Nội, đánh dấu con số 30 xe được nhập về kể từ 2007.

Trong khoảng thời 3 năm, Phantom đã được định vị là sản phẩm sang trọng bậc nhất, trong con mắt khách hàng Việt Nam. Trở thành chuẩn mực cho sự giàu sang và quý phái, dù nhà sản xuất Anh quốc chưa mất một đồng quảng cáo hay PR.

Kinh qua hàng loạt xe sang như Mercedes S-class, BMW serie 7, Lexus LS460 và cả Bentley Continental Flying Spur nhưng Hùng, đại gia trong giới kinh doanh xe hơi kết luận: "Ngồi lên Phantom thì khó lòng đi được xe khác. Tại sao ư? Bạn cứ thử sẽ biết".

Thiết kế Phantom là không pha lẫn. Đặt ở đâu cũng dễ nhận ra nhất. "Còn gì sung sướng hơn khi ngồi trên chiếc xe là trung tâm của đường phố. Ai cũng liếc nhìn, dù họ đi xe máy, ôtô hay đơn giản là đứng trên hè phố", Hùng lý giải.

Chiếc Phantom xuất hiện trước Tết tại Hà Nội. Trong 2010, khoảng 10 chiếc cập cảng Việt Nam.

Một đại gia xe nhập Sài Gòn từng ví von "Nếu Maybach là cô nàng sành điệu, ăn chơi, lẳng lơ thì Phantom là quý bà".

Điều đó lý giải tại sao số lượng Maybach mới chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi Phantom đã leo lên con số 30, khắp từ bắc tới nam.

Từ thuở hồi sinh 2003, Phantom gần như không thay đổi thiết kế. Ít ai có thể dựa vào ngoại thất để phân biệt đâu là đời 2004, 2008 hay 2009. Sự thống nhất này giúp các đời Phantom không phủ định lẫn nhau và có giá trị "xuyên thời gian".

Thực tế, 50% Phantom nhập về Việt Nam là 2006-2007.

Bước lên Maybach, khách ngỡ ngàng vì không gian đầy công nghệ. Phantom lại thể hiện chất cổ điển đặc trưng. Mọi hệ thống điện tử giấu phía sau chất liệu gỗ quý.

Sở hữu Phantom, đồng nghĩa với xa xỉ. Gỗ mang về từ các khu rừng khắp thế giới và tại nhà máy Goodwood, Anh, những người thợ thủ công tài hoa làm ra những lớp gỗ ốp độc nhất cho mỗi chiếc xe.

Các tấm gỗ cắt ra từ cùng một cây để giữ lại thớ, đồng màu và cùng độ tuổi. Mỗi tấm được làm thành 10 mét vuông. Trong xe Phantom, gỗ ốp được ghép với nhau sao cho các đường vân cùng tạo nên hình đối xứng. 41 bộ phận khác nhau cần ốp gỗ và có tới 29 lớp, trong đó có hai lớp gỗ lá và 4 lớp hợp kim nhôm để gia cố và đảm bảo an toàn.

Chất liệu gỗ quý.

Mỗi xe mất 2 tuần bọc da. Da bọc được kiểm tra kỹ để không bỏ qua một sơ suất nào dù là nhỏ, nhờ công cụ tinh tế nhất: Mắt người. Rolls-Royce chỉ dùng da loại A của bò đực, đảm bảo ghế không có một vết sẹo hay giãn nào. Các thợ máy lành nghề khâu bằng tay hoặc bằng máy khâu cá nhân, một công đoạn phức tạp bao gồm hơn 35 m đường chỉ khâu để hoàn thiện phần nội thất.

Ngồi lên Phantom, cảm giác mềm mại, mơn man, man mát lan tỏa khắp cơ thể. Khứu giác cũng được thỏa mãn bằng hương thơm riêng biệt tỏa ra từ chất liệu da mà hiếm chiếc nào giống chiếc nào.

Xứng đáng "tuyệt phẩm" nên công cuộc sở hữu Phantom ở Việt Nam không phải dễ dàng. Ngoại trừ bà Dương Thị Bạch Diệp, người đặt Phantom chính hãng, số còn lại đều mua dưới dạng đã qua sử dụng.

Phantom đời 2006-2007 chiếm phần lớn đơn giản bởi mức giá "phải chăng", tầm 450.000-600.000 USD. Sang đời 2008, giá chạm gần 1 triệu USD. Còn nếu là 2009-2010 thì chắc chắn trên 1 triệu USD.

Riêng phí trước bạ, Phantom "ngốn" không dưới 1,8 tỷ đồng.

Mua xe đã khó. Tìm tài xế còn khó hơn. Hải, tài của một sếp kinh doanh bất động sản từng thổ lộ: "Sếp đổi lên Bentley thì anh còn cố được. Chứ Phantom thì chắc phải nghỉ việc".

Xe dài, giá đắt đi giữa cái lộn xộn của Hà Nội hay Sài Gòn giống như đánh đố. "Mình lái cẩn thận mấy nhưng đen đủi mà ông xe máy nào tông phải thì chắc đi mất năm lương", Hải nói.

Giá đồng sơn thông thường của Phantom đắt gấp đôi các dòng cao cấp Mercedes S-class hay BMW serie 7. Quan trọng hơn, không công ty nào "giám" bán bảo hiểm cho dòng siêu sang này.

Ông Phạm Trường Khánh, giám đốc marketing của Liberty Việt Nam cho biết chưa có chính sách bán bảo hiểm Rolls-Royce bởi theo nguyên tắc số đông thì số lượng xe quá ít để xác định mức độ rủi ro. Ngoài ra, việc sửa chữa, thay thế phụ tùng sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có đại lý chính hãng tại Việt Nam.

Vì thế, ngày chiếc Rolls-Royce đen bóng đỗ trước công ty cũng là ngày không thấy Hải đến làm việc. Vị giám đốc đành phải tự cầm lái từ khu đô thị Ciputra, Hà Nội đến cơ quan trong lúc chờ tài mới.

Dịch vụ sau bán hàng Rolls-Royce cũng phức tạp không kém. Euro Auto, nhà phân phối BMW tại Việt Nam tiết lộ mỗi tháng Phantom vào bảo trì 2 lần với giá nhân công đắt gấp đôi vì cần những thợ lành nghề nhất.

Phụ tùng cũng khắt khe hơn khi Rolls-Royce yêu cầu chuyển phát DHL, trong khi phụ tùng BMW chỉ được chuyển bằng đường hàng không.

Theo VnExpress

Đọc thêm