Trong cái hối hả, bon chen, toan tính của cuộc sống đời thường, nhiều đội lân đã rã đám... Ấy thế nhưng vẫn có một đội lân bền bỉ, gắn bó với nghề gần chục năm nay. Đó là đội lân Hoàng Nhất Lân ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
|
Đội lân Hoàng Nhất Lân đang tập luyện tại đường Dũng sĩ Thanh Khê để chuẩn bị cho Trung thu 2010. |
Đam mê...
20 giờ, dưới góc đường Dũng sĩ Thanh Khê - nơi đội lân Hoàng Nhất Lân đang luyện tập để chuẩn bị cho Tết Trung thu 2010, hàng chục người đứng xem nghẹt cả lối đi, thỉnh thoảng lại có tiếng ồ lên thán phục. Phần nhiều trong số người đi xem là trẻ em, từ những em còn bế ẵm đến những em học THCS, THPT. Đứng gần tôi, đội trưởng đội lân Trương Bảo Thắng thì thầm: “Ngày trước mình cũng như vậy đấy, cứ nghe tiếng trống lân là trong lòng nôn nao niềm vui khó tả. Dù đang quét nhà hay học bài thì cũng bỏ đó để chạy ra xem lân cái đã. Mê quá nên mình nằng nặc đòi vào đoàn lân mặc cho bố mẹ ngăn cản. Lúc đầu chỉ đi theo cầm trang phục, dụng cụ, đến giờ đã thành lực lượng chủ chốt của đoàn”.
Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê vốn có truyền thống chơi lân từ lâu. Những điệu múa kỳ lân phần được truyền lại từ đời này sang đời khác, phần có biến tấu thêm. Từ những đội lân nhỏ lẻ, năm 2002, anh Trương Bảo Thắng đã thành lập đội lân mang tên Hoàng Nhất Lân. Ban đầu chỉ có 10 người, đi múa phải cầm đuốc, đến nay đã lên tới hơn 40 thành viên tuổi từ 15 đến 27, với 2 đầu lân to, 1 dàn biểu diễn, 2 trống... Kinh phí đầu tư khoảng trên 30 triệu đồng. Dù đã từng “giật” khá nhiều giải như: Giải nhì cuộc thi múa lân thành phố Đà Nẵng (2007), giải khuyến khích cuộc thi lân Đà Nẵng (2008)... nhưng anh Thắng chỉ tự nhận đội lân của mình là nghiệp dư, “chơi là chính”.
Anh Thắng cho biết: “Các em nhỏ trong xóm xung phong vào đội lân khá đông, nhưng trong số trên 100 em chỉ tuyển chọn được 40 người bởi trò này không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai mà còn một chút năng khiếu nữa”. Các thành viên nhí tới tập vì đam mê, người dạy cũng vì đam mê. Dù luyện tập quanh năm nhưng quan trọng nhất với đội lân chính là vào dịp Tết và nhất là đêm Trung thu. Trong phần biểu diễn, con lân phải thể hiện được những động tác hỷ, nộ, ái ố với nhiều tư thế khác nhau như: Nhảy, vồ, cắn, nuốt, nằm, ngồi, ngủ... trên dàn biểu diễn. Nhìn dàn biểu diễn cao ngất, người bình thường đứng lên đó cũng còn thấy khó, huống hồ là nhảy múa, làm những động tác uốn lượn đẹp mắt.
Một thành viên trong đội “bật mí”: Muốn hoàn thành tốt các điệu múa thì phải khéo léo, biết dứt điểm, động tác phải dứt khoát, đặc biệt là phải giữ thăng bằng cho giỏi (tập giữ thăng bằng mất hàng tháng trời - pv) và phối hợp phải ăn ý. Người giữ đuôi lân là khó nhất bởi thường bị che khuất tầm mắt nên phải tự xác định vị trí thật chính xác, chỉ cần một chút sơ sẩy, chấn thương xảy ra là điều đương nhiên.
Giữ nghề
Tập múa lân là khổ luyện, không chỉ tập bất cứ thời gian rảnh nào, tối lại, các thành viên còn phải ngồi ôn với nhau từng động tác, học thuộc mọi vị trí trên giàn. Nói là nghề cho oai chứ thật ra, mặc dù là đội lân cũng khá nổi nhưng bình quân mỗi tháng cũng chỉ chạy khoảng 3-4 sô diễn tại những lễ khai trương nhà hàng, khách sạn, mỗi sô khoảng 2-3 triệu đồng, mỗi tháng một thành viên chỉ được khoảng 300 ngàn đồng, không đủ sống. Những dịp quan trọng như Tết, Trung thu thì thu nhập toàn đội có khá hơn nhưng cũng còn phải phụ thuộc vào... ông trời, bởi nếu trời mưa thì rất dễ thất thu.
Phan Văn Quang (23 tuổi) - thành viên trong đội - tâm sự: “Đây như là cái nghiệp rồi chị à. Đam mê rồi, rất khó bỏ. Mặc dù còn phải mưu sinh nhưng bọn em luôn mong muốn níu giữ nghề này như giữ lại một niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Làm công nhân đóng tàu của Công ty Sông Thu, lâu lâu không được đi múa, nhớ lân lắm”. Còn em Phan Thanh Đạt (15 tuổi) - thành viên nhỏ tuổi nhất đội - thì bộc bạch: “Con thích chơi lân lắm. Con sẽ cố gắng học tập tốt để ba mẹ cho đi múa lân. Sau này con cũng sẽ tham gia múa lân để trở thành người múa lân giỏi”.
Múa lân không chỉ đem lại niềm vui mà còn là một phần ký ức đẹp của tuổi thơ mỗi người mà không gì có thể thay thế được, một thành viên của đội lân Hoàng Nhất Lân đã nói với tôi như vậy.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ