Càng về cuối năm, hoạt động mua bán sách bói, tử vi, mê tín dị đoan càng trở nên sôi động.
|
Sách bói không rõ nguồn gốc, không có nhà xuất bản vẫn được chào bán ngang nhiên. |
Từ đầu tháng Chạp, ngồi ở bất kỳ quán cà-phê cóc nào cũng có thể mua được sách bói lậu. Những người bán đĩa dạo tranh thủ kiếm thêm bằng cách “kẹp” đủ loại sách bói bán chung với đĩa, và đi quanh chào mời. Bán riết ở chợ, dọc đường chưa “đã”, người bán còn len lỏi vào tận các khu dân cư từ trung tâm thành phố đến ngoại thành. Các hàng bán sách giảm giá trước các cổng trường Đại học Sư phạm, Bách khoa không để lỡ dịp, cũng công khai bày bán rất nhiều sách tử vi không rõ nguồn gốc. Thậm chí, sách ở đây còn đa dạng hơn cả sách bán dạo.
Loại sách khá phổ biến và có mặt ở hầu hết các hàng trên là “Lịch vạn niên”. Nếu hàng bán dạo tỏ ra chiếm ưu thế với các tập sách nhỏ, mỏng bằng bàn tay, hoặc các tờ giấy photo coi tuổi, vận mạng trong năm Mèo, thì trước các cổng trường, sách mê tín dị đoan xuất hiện dưới đủ dạng tên gọi, từ xem chiêm bao, giải mộng, đến bói bài, coi căn duyên. Tất cả các sách trên đều không có nhà xuất bản (NXB), hoặc đề tên NXB mập mờ như Tia Sáng, Sấm Giang… và năm xuất bản thường trước 1975. Chất lượng bản in khá xấu, giấy lúc láng, lúc nhám, chữ viết không rõ ràng, đầy rẫy lỗi chính tả. Chưa kể, hầu hết lời lẽ trong sách đều khá mơ hồ, khó hiểu. Sách được bán dưới giá in trên bìa khoảng 10 - 12 nghìn đồng/cuốn.
Trên bìa sách thường phô những câu kích thích sự tò mò của người xem. Cuốn “Khám phá bí ẩn của những điềm chiêm bao” bày cách “giải mộng” theo thứ tự 24 chữ cái từ A đến Y. Trong đó, bất cứ chiêm bao thấy gì như ăn uống, bánh, trái cây, chó sủa, heo kêu… đều được xem là một “điềm” xấu hoặc tốt. Sách “Bí quyết bói bài” không chỉ chắc chắn “Theo khoa học rất linh nghiệm”, mà còn cẩn thận “đế” thêm câu: “Đây là những lá bài trúng số độc đắc”. Các cuốn “Diễn cầm tam thế”, hay “Căn duyên tiền định” được giới thiệu là của Vương Công Hầu chỉ ra số mệnh con người, dựng vợ gả chồng có hợp không, và thậm chí là chết có hòm chôn không (?!)...
Tự do tung hoành
Dù mang những nội dung mơ hồ, mê tín dị đoan, không có nguồn gốc, xuất xứ, các sách kể trên đều được nhiều người dân tin theo và mua. Khách hàng nhiều nhất của loại sách này thường là những bà nội trợ hoặc người bán hàng trong các khu chợ. Ngoài ra, một người bán sách trước cổng Trường Đại học Bách khoa cho biết: “Coi vậy chứ sinh viên (SV) mua dữ lắm, nhất là SV nữ. Cuối năm, SV hết mua sách học, chỉ còn trông mong vào ít tiền lời từ sách này thôi”. Dù không giải thích được vì sao sách không có NXB như các sách khác được bày bán chung trong hàng, người này vẫn chắc chắn như đinh đóng cột: “Người ta đã in thành sách, thì tất cả phải đúng chứ”.
Theo một cán bộ thanh tra thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), qua xác minh từ người bán các năm trước cho thấy, đầu nậu cung cấp sách bói lậu ở tận ngoài Bắc. Lực lượng thanh tra chỉ xử lý ở mức độ thu giữ và tiêu hủy sản phẩm, chứ chưa thể truy ra tận gốc.
Bài và ảnh: HẰNG VANG