Sạch hơn cho cây trồng

Nếu nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học thay vì hóa học thì cây trồng sẽ “sạch” hơn, an toàn hơn đối với môi trường và sức khỏe con người.
Nếu nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học thay vì hóa học thì cây trồng sẽ “sạch” hơn, an toàn hơn đối với môi trường và sức khỏe con người.

Biết hại mà vẫn làm (!)

Dự án mở rộng Khu công nghiệp Hòa Khánh đã thu hồi 200ha đất ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Hết đất canh tác, nông dân trong thôn học nghề trồng hoa cây cảnh về, muốn thực hành phải tận dụng khoảng trống ven hè, đất chưa làm nhà. Trồng hoa lợi nhuận cao gấp mấy lần trồng lúa, bà con thấy “ngon” quá, đua nhau làm theo. Từ đó, CLB Hoa cây cảnh Vân Dương 1 ra đời, từ 13 hội viên năm 2007 nay đã tăng lên 38 hội viên, trong đó có 6 hội viên là người các thôn bạn. Cộng hết các khoảng đất trống tận dụng để trồng hoa của 38 hội viên cũng chưa tới 1ha.

Việc xử lý triệt để bao bì thuốc BVTV sẽ làm cho môi trường sạch hơn.
Chẳng mấy chốc, làng hoa Vân Dương nổi tiếng trong giới chơi hoa, cây kiểng. Có điều, ở đây tồn tại một điều nan giải là nguy cơ nhiễm độc từ thuốc BVTV. Ông Nguyễn Trung, chủ nhiệm CLB cũng là người đầu tiên mang nghề trồng hoa về thôn, lo lắng: “Cây hoa khác cây lúa, sâu bệnh là xịt thuốc. Nhà ở trong khu dân cư thì san sát nhau, biết xịt thuốc có hại mà vẫn làm, không làm thì công sức đổ sông đổ biển hết”. Theo ông Trung, chậu hoa để sát rạt bên nhà, người bơm thuốc còn mang khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, chứ người khác thì cứ thế mà “hít hơi” hết. Thuốc BVTV tuy không làm ai chết liền nhưng ngấm mỗi lần một ít vô người thành mầm bệnh. Đó là chưa kể đến mùi hôi của bánh dầu bón hoa gây khó chịu trong khu dân cư.

Đem chuyện “biết hại mà vẫn làm” hỏi ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, thì được ông trả lời: “Chúng tôi đã được phản ánh về khó khăn của bà con trồng hoa ở Vân Dương 1. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đề xuất lên trên để xin bố trí khoảng 3-4ha, dự kiến là bên đường tránh Hải Vân, để lập khu trồng hoa, cây cảnh. Vấn đề là liệu bà con có chịu bỏ nhà lên đó làm hay không?”.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, cựu chiến binh, hội viên trồng hoa, nói chắc nụi: “Tụi tui U50 hết rồi, không trồng hoa thì biết làm chi. Nếu có được 3-5ha bên cạnh đường nhựa như rứa, lại càng thuận tiện cho việc chuyên chở hoa sau này”. Ông Trung thì “bật mí”, sau vụ hoa Tết đầu tiên làm thử nghiệm năm 2006, ông ăn Tết xong còn đổ được 7 chỉ vàng. Lợi nhuận khá cao, nay lại hy vọng có nơi sản xuất an toàn hơn, người dân Vân Dương 1 càng quyết tâm bám nghề.

Nỗi lo từ bao bì

Nông dân được tập huấn nên dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Trong ảnh: Ông Nguyễn Quang Sơn với vạt cải cay (loại ăn lẩu) sử dụng thuốc sinh học.
Ông Nguyễn Quang Sơn trồng rau ở vùng sản xuất rau an toàn thôn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) từ năm 2003. Kinh nghiệm của ông, xà lách, tần ô là hai loại rau sạch nhất, gần như không bao giờ bị sâu bệnh. Mỗi thứ rau quả có một cách phun thuốc trừ sâu bệnh riêng. Cải bẹ ngọt, cải cay (ăn lẩu) phun thuốc đuổi bù nhảy vào mùa nắng. Đậu tây có phun thuốc trừ sâu thì phun hồi mới ra bông, đến khi đậu thành trái rồi, phun không hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Chín trồng rau sau ông Sơn 4 năm nay. “Công thức” trồng cải của chị là “phân chuồng + phân lân bột + NPK + bánh dầu”, cho ra cây cải trắng, không xanh nhưng rất ngon ngọt. Chị đem cải ra chợ bán, người ta chê cải chi trắng quá, chọn toàn cải xanh mướt. Nghĩ cũng bực mình - chị than, họ chê mình, tưởng đi mua thứ chi ngon hơn, té ra mua toàn ba cái thứ cải phun thuốc kích thích tăng trưởng!

Rồi đây, sẽ chẳng còn ai nghi ngại về sản phẩm nông nghiệp từ vùng sản xuất rau Túy Loan Tây như thế nữa, khi nơi đây trở thành một trong 5 địa điểm nằm trong Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” do Ban Quản lý QSEAP thuộc Sở NN&PTNT triển khai thực hiện từ nay đến năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 4 triệu USD. Một trong những mục tiêu chính của Dự án là đào tạo kiến thức và huấn luyện kỹ năng thực hành thành thạo về kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho 2 nghìn nông dân.

Ông Đặng Phi Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật-Sở NN&PTNT thành phố cho biết, nếu nói rau an toàn mà không dùng thuốc là không đúng, mà phải bảo đảm hai điều kiện là: Chủ yếu dùng thuốc BVTV sinh học và bảo đảm thời gian cách ly. Thuốc sinh học được chiết xuất từ thảo mộc nên có dư lượng không đáng kể và không độc hại.

Hiện nay, nông dân đã ý thức tốt hơn về thuốc BVTV khi sử dụng tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng loại, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách. Tuy nhiên, những người làm công tác BVTV ở Đà Nẵng vẫn chưa hết một nỗi lo từ 3 năm nay. Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đà Nẵng cho biết 3 năm trước Chi cục đã xây dựng đề tài “Thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV” và đăng ký ở Sở Khoa học - Công nghệ thành phố nhưng không thấy phản hồi. Theo ông Vân, tình trạng nông dân vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV là một thực trạng đáng báo động trên cả nước. Tháng 7 vừa qua, chi cục đã mở các lớp tập huấn cho lãnh đạo các xã, phường, đề xuất xây các bồn chứa để tập trung, xử lý các loại bao bì độc hại này.

Làm cho cây trồng “sạch” hơn là một trong những nỗ lực nhằm xây dựng một môi trường tốt hơn. Thiết nghĩ, điều này cũng sẽ chỉ là lý thuyết, nếu như vấn đề xử lý bao bì thuốc BVTV chưa được giải quyết rốt ráo.

VIÊN PHÚC QUÂN

Đọc thêm