|
Ngay khi cầm sách và nhìn bìa, chúng tôi chột dạ giật mình. Bởi chăng, đây là sách biên khảo lịch sử, thể hiện sự đầu tư trí tuệ tìm hiểu về tiền nhân, và cuốn sách lại nằm trong bộ sách Góc nhìn sử Việt, thì sự chính xác, đúng đắn về tri thức sử học phải được đặt lên hàng đầu mới có thể “chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc” như mong muốn của Alphabooks.
Tuy nhiên, ngay bìa sách, được xem là cái cổng, mặt tiền của cuốn sách để đi vào nhà (nội dung) đã có sai lầm nghiêm trọng.
Bìa sách Trần Thủ Độ - Danh nhân truyện ký bản in của Alphabooks và Nxb Hồng Đức thể hiện hình ảnh một vị quan đang chỉ tay ở tiền cảnh (đoán định là Trần Thủ Độ), hậu cảnh xa xa là đoàn quân giặc đang trốn chạy, kéo theo một chiếc xe lồng bên trong có một viên tướng.
Đó là minh họa sai nghiêm trọng về lịch sử, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, làm cho bạn đọc chưa đọc sách mà đã bị định hướng sai về lịch sử rồi. Bởi, hình hậu cảnh kia chính là thể hiện đoàn quân Nguyên thua trận rút chạy về nước. Và nhân vật nằm trong xe kia chính là Thoát Hoan, tên Thái tử nhà Nguyên cầm đầu quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai năm 1285 (và cả lần thứ ba nữa) đang trên đường trốn chạy về nước.
Sử cũ ghi rõ việc đó xảy ra vào tháng 4 năm Ất Dậu (1285): “Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn - Người dẫn chú) lại giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, đánh bại được, giặc chết đuối khá nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết.
Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một đồ đồng, chạy trốn về Bắc” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.56 - 57). Từ sự kiện này, về sau một số họa sĩ đã vẽ cảnh Thoát Hoan trốn trong ống đồng cho xe ngựa kéo chạy.
Rõ là việc này xảy ra trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai. Ở cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai và thứ ba, lãnh đạo quân đội Đại Việt đánh Nguyên là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải là Thái sư Trần Thủ Độ. Bởi, Trần Thủ Độ chỉ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258).
Đến cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) thì ông đã mất từ năm Giáp Tý (1264) trước đó 21 năm rồi. Minh họa như vậy, khác nào râu ông nọ cắm cằm bà kia, cho ông sống lâu hơn thực tế để tiếp tục đánh giặc. Đây là một lỗi sai rất lớn, làm lẫn lộn lịch sử nước nhà.
Là bạn đọc, chúng tôi mong muốn Alphabooks có sự cải chính lại bìa sách này, để tác phẩm có giá trị lịch sử, phản ánh đúng lịch sử vốn có.