Phiên giao dịch việc làm đầu tiên của năm 2011 được tổ chức tại Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng vào ngày 15-2 được đánh giá cao hơn so với mọi năm. Qua đó cho thấy, thị trường lao động ngày càng bị phân khúc rõ rệt, cơ hội nghiêng nhiều về lao động phổ thông...
|
Lao động phổ thông đang được ưu ái tại nhiều doanh nghiệp do thiếu hụt trầm trọng. |
Mức lương hấp dẫn
Tại sàn giao dịch việc làm, khá nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đưa ra mức lương khá cao với nhiều ưu đãi nhằm hút lao động đến đăng ký. Chẳng hạn như Công ty TNHH Cát Khải chuyên thi công xây dựng và ép cọc nền công trình, gia công cơ khí tại chân công trình, có bà Lê Thị Quỳnh Tiên - Giám đốc công ty trực tiếp đứng tại sàn để phỏng vấn tuyển dụng và đưa ra mức lương khá “choáng”: Lương khởi điểm thấp nhất là 3,5 triệu đồng/người/tháng cho 30 công nhân cơ khí, xây dựng và vận hành máy. Ngoài ra, tùy theo năng suất làm việc, thời gian công tác mà đơn vị có thể tăng lương và thưởng cho người lao động.
Tuy mức lương không cao như Cát Khải, nhưng Công ty cổ phần Truyền thông Kim Cương-Diamond Media Jsc với số lượng tuyển là 100 nhân viên chăm sóc khách hàng sử dụng mạng di động và dịch vụ qua tổng đài của đối tác Viettel với mức khởi điểm là 2,5 đến 3,1 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, đơn vị còn thưởng theo tháng cho người lao động từ 100-400 ngàn đồng và thưởng theo quý, năm, định kỳ lễ, Tết được đi tham quan, nghỉ mát… Với số lượng cần tuyển chỉ 20 nhân viên thu thập dữ liệu, nhưng với yêu cầu chỉ cần tốt nghiệp THPT trở lên, tuổi từ 18 đến 45, có phương tiện di chuyển và bằng lái xe… và mức lương 115 ngàn đồng/ngày cùng phụ cấp xăng là 10-20 ngàn đồng/ngày của Công ty Nielsen Việt Nam, chuyên ngành nghiên cứu thị trường cũng thu hút khá đông người nộp hồ sơ.
Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2011 có 56 đơn vị đăng ký khai thác sàn với nhu cầu cả ngàn lao động, nhưng do khuôn viên hẹp nên trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng 28 đơn vị với nhu cầu khoảng 1.760 lao động. Ông Nguyễn Đức Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết: “So với mọi năm, năm nay phiên giao dịch việc làm đầu năm thu hút khá đông doanh nghiệp đăng ký tham gia. Các doanh nghiệp hiện nay cũng “mạnh tay” trả lương khá cho người lao động, trung bình khoảng 2 triệu đồng/người/tháng (năm ngoái chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng)”.
Phân khúc lao động
Tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng vào ngày 15-2, có khoảng trên 500 lao động tham gia tại sàn, với 216 hồ sơ được nộp và 165 người đạt yêu cầu sau khi phỏng vấn (đại học: 24 người, cao đẳng: 20 người, trung cấp: 85 người, lao động phổ thông: 16 người, công nhân: 20 người). |
Việc lao động phổ thông được ưu ái bằng tăng lương, đãi ngộ nhiều… cũng có nguyên nhân từ sự phân bố khá đồng đều các nhà máy, xí nghiệp ở từng địa phương nên lượng lao động phổ thông bị phân tán. Chị Lê Thị Mai Hương - Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) - cho biết: “Trước đây mình làm ở một công ty chế biến hải sản khác nhưng lương không cao, thấy bạn bè giới thiệu, rủ rê, sau một thời gian chọn lựa mình quyết định làm việc ở đây. Lương tháng khoảng trên 2 triệu đồng, ngoài ra còn có nhiều ưu đãi khác nữa”. Còn ở nhiều công ty may, lao động có tay nghề khá cũng được các đơn vị “giữ chân” bằng nhiều cách, nếu không sẽ tuột mất lao động.
Cạnh đó thì những đơn vị tuyển chọn lao động đòi hỏi có bằng cấp, tay nghề và một số kỹ năng khác vào những vị trí “ngon” nhưng chờ mỏi mắt mà không tìm ra người, dù rằng mức lương khá cao. Bà Lê Thị Quỳnh Tiên - Giám đốc Công ty TNHH Cát Khải-cho biết: “Đã có nhiều lao động nộp đơn tại sàn giao dịch việc làm, nhưng qua phỏng vấn thì chỉ có 1 lao động đủ yêu cầu”. Còn ông Lưu Văn Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Du lịch Green Tour Đà Nẵng thì than thở: “Các vị trí như Giám đốc Marketing, trưởng phòng điều hành đòi hỏi phải có bằng cấp, kỹ năng lẫn kinh nghiệm, điều mà nhiều lao động trên địa bàn khó đáp ứng được, mặc dù mức lương có thể là 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, thậm chí hơn nữa…”.
Bài và ảnh: Phương Trà