'Cách mà người ta ứng xử với các công trình nghệ thuật thật đáng buồn'

(PLO) - Đó là quan điểm của Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan để phát huy được giá trị nghệ thuật công cộng trong kiến trúc hiện đại cũng như cải thiện sự lộn xộn trong kiến trúc tại các TP lớn hiện nay.
 “Con đường gốm sứ” - một điểm nhấn của kiến trúc hiện đại tại Thủ đô.
“Con đường gốm sứ” - một điểm nhấn của kiến trúc hiện đại tại Thủ đô.

Thưa bà, chúng ta nên hiểu tính truyền thống và hiện đại ở các công trình kiến trúc đương đại thế nào?

Tới thời điểm này các công trình kiến trúc hiện đại của Việt Nam rất tuyệt vời, nó có sự hòa trộn giữa các tư tưởng quốc tế với vật liệu của Việt Nam, điều kiện kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Như các công trình xây năm 1970-1980 trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hết sức khó khăn nhưng có công trình có kết cấu, hình thức công năng rất tuyệt vời, đặc biệt nó có yếu tố của Việt Nam như khí hậu đã được đưa vào.

Nếu quan sát các công trình hiện đại thường có bức tường hoa bê tông trước khi đi vào phòng nào đó như Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đó là giải pháp rất thông minh vừa để chống nóng truyền thống với kiến trúc hiện đại. 

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan
Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan

Tư duy người đứng đầu quyết định trật tự kiến trúc Việt Nam 

Tại hội thảo kiến trúc Việt Nam hiện đại vừa được Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, hiện Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo, hoàn thiện Luật Kiến trúc. Luật này đang tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp tới để cố gắng thông qua vào năm 2018 với hy vọng tránh được sự lộn xộn, ngổn ngang trong kiến trúc đô thị như hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng nhận định, kiến trúc Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề ngổn ngang. Trong khi đó, ở nước ta vai trò người đứng đầu ở các địa phương rất quan trọng. Việc có thể bảo tồn kiến trúc cổ hay định hướng kiến trúc theo hướng nào tùy thuộc rất nhiều vào tư duy, ý chí của người đứng đầu các địa phương. Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc cần đưa ra được  các giải pháp căn cơ đến các nhà lãnh đạo để xây dựng định hướng đưa kiến trúc Việt Nam vào trật tự. Đó là việc khó nhưng không phải là không thể. 

Còn nên ưu tiên truyền thống hay hiện đại trong kiến trúc đương đại theo tôi kiến trúc Việt Nam đang đổi mới, sự đổi mới cần được cổ vũ. Song cũng cần được bình luận để tiếp thu phát triển những mặt tích cực, hạn chế những vấn đề chưa phù hợp để tạo ra những truyền thống mới cho giai đoạn hiện nay của kiến trúc hiện đại Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hòa nhập quốc tế mà vẫn phát huy được bản sắc dân tộc.

Vì vậy các kiến trúc sư nên nghiên cứu kỹ kiến trúc cổ Việt Nam và hiện đại hoá nó, làm sao để khi nhìn vào một đô thị thì dù kiến trúc có hiện đại nhưng vẫn mang phong cách và nét độc đáo của kiến trúc dân tộc.

Ví dụ như các công trình kiến trúc hiện đại của Nhật Bản, nhất là các công trình của kiến trúc sư Kenzotan, dù rất hiện đại nhưng phong cách vẫn rất Nhật Bản, không thể nhầm với bất kỳ kiến trúc của một quốc gia nào khác. 

Hiện chúng tôi mới có tổng kiểm kê ban đầu về kiến trúc hiện đại ở Việt Nam, bước tiếp theo sẽ phải nhìn nhận quỹ này để tìm ra công trình tiêu biểu. Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá xem công trình này gửi cho chúng ta thông điệp gì về thời điểm nó ra đời. 

- Nhiều ý kiến đang cho rằng kiến trúc hiện đại của nước ta “khá lộn xộn, ngổn ngang, không theo trật tự nào”. Quan điểm của bà như thế nào?

Để đánh giá về kiến trúc hiện đại chúng ta xem mình đánh giá ở góc độ nào, tổng thể hay chi tiết. Ở nước ta, kiến trúc phải đánh giá là có cá nhân kiệt xuất nhưng trong tổng thể chưa trật tự. Thế nên, rất cần sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể cũng như có giải pháp gợi mở để cải thiện sự lộn xộn trong kiến trúc tại các TP lớn hiện nay theo hướng kiến trúc nào đẹp thì chia sẻ, nhân rộng. Nếu không kiến trúc sẽ phát triển lộn xộn theo kiểu “trăm hoa đua nở” theo ý  chủ quan của mỗi cá nhân mà không có định hướng, tiêu chuẩn chung tạo nên bản sắc, đặc trưng của nền kiến trúc Việt Nam so với các nước.

- Nghệ thuật công cộng rất có giá trị cho kiến trúc của các TP lớn. Bà nhận xét thế nào về các công trình nghệ thuật công cộng trong kiến trúc hiện đại ở nước ta hiện nay?

Vườn tượng nằm cạnh đền Ngọc Sơn, vườn tượng ở Bách Thảo, con đường gốm sứ… là những công trình nghệ thuật công cộng độc đáo, tạo nên những điểm nhấn cho kiến trúc hiện đại của Hà Nội. Tuy nhiên, cách mà người ta ứng xử với các công trình nghệ thuật công cộng này thật đáng buồn khi “Con đường gốm sứ” đang bị nứt vỡ, nhem nhuốc vì bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, dựng xe, bị người vô ý thức biến thành nơi “xả thải”… Vì vậy, theo tôi cần có chính sách khích lệ phù hợp cho các công trình mang yếu tố công cộng để tạo cảnh quan và dấu ấn kiến trúc cho các TP lớn trong quá trình hội nhập và phát triển.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm