Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đức Trọng đã tìm cho mình một “hướng đi” khá bền vững với cơ cấu sản xuất đa cây, đa con với những cây, con có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, để đạt được yêu cầu đó, theo ông Lý Thái Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng: “Điều quan trọng là huyện đã từng bước chuyển dịch sản xuất theo hướng Nông nghiệp công nghệ cao (CNC)”.
|
Sản xuất rau công nghệ cao. |
Ban đầu trên “lộ trình” sản xuất Nông nghiệp CNC, huyện Đức Trọng triển khai các mô hình. Với kinh phí 718.600.000 đồng (trong đó ngân sách tỉnh là 620.076.000 và ngân sách huyện là 98.524.000 đồng), Đức Trọng hỗ trợ làm thí điểm 2 mô hình nhà kính, nhà lưới tại xã Hiệp An và thị trấn Liên Nghĩa để sản xuất rau, hoa theo qui trình CNC. Hai mô hình sản xuất này đã đem lại hiệu quả thiết thực, nên từ những năm 2005 - 2009, một mặt tổ chức phổ biến nhân rộng mô hình 2 mô hình nói trên, mặt khác huyện tiếp tục hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây dựng các mô hình trồng hoa layơn, hoa lys, hoa cúc, cải thảo, ớt ngọt… tại các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Phú Hội, Liên Hiệp và thị trấn Liên Nghĩa. Riêng trong năm 2010, từ nguồn vốn của Chương trình nông thôn mới, huyện hỗ trợ 12 hộ nông dân ở xã Tân Hội làm 1,2 ha nhà kính để trồng rau thương phẩm.
Từ những mô hình trình diễn do Nhà nước đầu tư và những mô hình sản xuất tiêu biểu của nông dân đầu tư, Phòng NN – PTNT, Trung tâm Nông nghiệp, Hội Nông dân… đã phối hợp các xã, thị trấn tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan, chuyển giao kỹ thuật canh tác để giúp nông dân tiếp cận với các qui trình sản xuất Nông nghiệp CNC. Nhờ vậy đến nay, ở hầu hết các xã, thị trấn (chỉ trừ xã Tà Hine) đều có nông dân ứng dụng kỹ thuật sản xuất CNC với tổng diện tích 513 ha (bao gồm cả diện tích sản xuất nhà kính, nhà lưới và diện tích tưới phun, tưới nhỏ giọt, phủ màng poliner).
Hiệu quả việc sản xuất rau, hoa theo hướng CNC ở huyện Đức Trọng bước đầu đã được khẳng định là đạt cao hơn nhiều so với cách sản xuất “truyền thống” trước đây. Theo tổng kết của UBND huyện Đức Trọng: Đối với các loại rau, nếu sản xuất theo lối truyền thống và kinh nghiệm cũ thì chỉ đạt mức thu nhâp bình quân 50 - 70 triệu đồng/ 1 ha; trong khi đó, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới tự động phủ màng polimer đạt 60 - 100 triệu đồng, sản xuất trong nhà lưới đạt 80 – 150 triệu đồng, sản xuất trong nhà kính đạt 100 – 250 triệu đồng/ ha. Còn các loại hoa, nếu sản xuất theo kiểu cũ thì chỉ đạt trung bình 70 - 150 triệu đồng/ ha; trong khi đó, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới tự động phủ màng polimer đạt 100 – 200 triệu đồng/ ha, sản xuất trong nhà lưới đạt 200 - 300 triệu đồng/ ha, sản xuất trong nhà kính đạt 300 – 500 triệu đồng/ ha/ năm. Ngoài ra, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, tại huyện Đức Trọng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng Nông nghiệp CNC vào sản xuất và tạo được sản phẩm an toàn. Trong đó có 8 doanh nghiệp đã được Sở NN – PTNT Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, là Công ty TNHH Bồ Công Anh, Công ty cổ phần Quốc Tế, Hợp tác xã Nông sản an toàn thị trấn Liên Nghĩa, Hợp tác xã An Phú (xã Hiệp An), Cơ sở sản xuất rau Phong Thúy (thị trấn Liên Nghĩa), Công ty TNHH sản xuất Nông sản xuất khẩu Nhật Việt Đài, Cơ sở sản xuất rau Hà Trang và Cơ sở sản xuất rau Tiến Huy. Từ đó, tạo được uy tín về chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Đi đôi với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vận động phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, huyện Đức Trọng còn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, thu mua và chế biến nông sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 25 doanh nghiệp, hàng năm tiêu thụ từ 30.000 – 35.000 tấn rau, quả của nông dân. Trong đó, những doanh nghiệp tiêu thụ số lượng khá lớn như: Công ty Rau Nhà Xanh, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng, Công ty Cung ứng nông nghiệp Lâm Đồng, Công ty TNHH Nông Phát, Công ty TNHH Kim Phát, Công ty rau quả Đà Lạt – Nhật Bản.
Xác định sản xuất nông nghiêp CNC là hướng đi lâu dài và mang tính bền vững, huyện Đức Trọng đã qui hoạch các vùng sản xuất nông nghiêp CNC; trong đó có các vùng sản xuất rau an toàn. Phấn đấu đến 2015 sẽ tăng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC lên 3.645 ha; phối hợp tổ chức tốt hơn nữa mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu rau, hoa Đức Trọng.
Bùi Trưởng