Mặc dù Quyết định số 6291-QĐ/UBND về bố trí chức danh ở các xã, phường của Chủ tịch UBND thành phố ban hành ngày 21-8-2010 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2010, thế nhưng hơn 3 tháng trôi qua, các xã, phường vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ xã, phường cần nhanh chóng và hợp lý nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. |
Chưa thể triển khai
Ông Văn Thanh Quảng, Bí thư Đảng ủy phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, mặc dù đã nhận được văn bản, thế nhưng, đến nay phường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở Nội vụ thành phố để triển khai quyết định này. Theo ông, lãnh đạo của phường cũng đã tính toán các phương án, nhưng do cấp trên chưa triển khai cụ thể, rõ ràng nên các công đoạn vẫn chưa tiến hành trên thực tế mà còn đang chờ đợi. Mặc dù theo hướng dẫn của Phòng Nội vụ quận Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông cũng đã “động viên” 3 cán bộ không chuyên trách khối Đảng tự nguyện viết đơn xin thôi việc.
“Ngay cả bầu Ban Thanh tra nhân dân, ở các tổ dân phố đã tiến hành nhưng đến phường thì cũng đành gác lại vì chờ hướng dẫn thêm. Chúng tôi cũng không muốn quyết định và công bố sớm việc nghỉ công tác của các cán bộ không chuyên trách đảm nhiệm chức danh đã được quy định theo nội dung trong quyết định, bởi nếu lỡ sau này có thay đổi thì sẽ khó giải quyết cho anh em” - Ông Văn Thanh Quảng lý giải cho việc chậm trễ này. Ông cũng cho biết, một trong những vướng mắc là giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho cán bộ không chuyên trách thôi công tác, bởi đa số họ có thời gian đóng bảo hiểm ngắn nên thực hiện theo quy định “những người có nguyện vọng thôi việc có đóng BHXH thì được hưởng mỗi năm là 1,5 tháng lương hiện hưởng” là khá thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, nhất là với những người còn trong độ tuổi lao động.
Cũng như vậy, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, ông Nguyễn Mạnh Hưng, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, đã sắp xếp cho một số chức danh không chuyên trách, nhưng không phải cho họ nghỉ việc mà thuyên chuyển qua bộ phận công tác khác để bảo đảm họ được hưởng các chế độ, chính sách cho đến cuối năm nay. Theo đó, cán bộ phụ trách phòng chống tệ nạn xã hội được chuyển sang kiêm nhiệm để hưởng chế độ ở quy tắc đô thị; một trong 2 cán bộ văn hóa - thể thao và quản lý nhà văn hóa được chuyển sang làm Phó Bí thư Đoàn phường; riêng Trưởng ban Thanh tra nhân dân thì được “động viên” làm không hưởng phụ cấp đến cuối năm… “Chức danh này do Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hiệp thương bầu ra nên không thể cho nghỉ gấp được” - Ông Nguyễn Mạnh Hưng lý giải. Ông cũng cho biết, do Quyết định số 6291-QĐ/UBND ban hành ngày 21-8-2010 nhưng lại có hiệu lực từ ngày 1-8-2010, nên cơ sở “trở tay” không kịp, đành phải đưa ra các giải pháp tình thế như vậy, nhất là trong việc bảo đảm công việc cũng như chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách, ít nhất là đến cuối năm nay.
Sắp xếp thế nào cho hợp lý?
Theo quyết định, thì số lượng cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã loại 1 được bố trí không quá 22 người, loại 2 không quá 20 người; những định suất các chức danh cũng được công bố một cách cụ thể. Trong đó, khối Đảng có 4 người; sau này Ban Dân vận Thành ủy có ban hành Quyết định số 7165/QĐ-BDVTU bổ sung chức danh Trưởng ban Dân vận xã, phường. Theo ông Văn Thanh Quảng, thì việc bố trí các chức danh này tương đối thuận lợi bằng giải pháp các chức danh chủ chốt kiêm nhiệm nhằm dành các định suất còn lại cho các chức danh khối ngành, đoàn thể, chính quyền. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn: “Kiêm nhiệm thì gọn bộ máy, tăng thêm thu nhập nhưng công việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công tác”. Theo quy định, cán bộ, công chức phường, xã kiêm nhiệm các chức danh có trong quy định được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 30%.
Thế nhưng, ở một số xã, phường vẫn còn những ý kiến khác nhau về các định suất không được đưa vào danh sách. Ví dụ như chức danh Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Cả ông Văn Thanh Quảng và ông Nguyễn Mạnh Hưng đều cho biết, chức danh này có thể giao cho Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của phường, xã kiêm nhiệm (nhưng không được hưởng phụ cấp), tuy nhiên hiện nay Thanh tra nhân dân còn có thêm chức năng giám sát đầu tư cộng đồng nên công việc sẽ khó khăn hơn nhiều.
Còn ở địa bàn như phường Thạch Thang hay các phường nội thành khác, nhất là ở những nơi có loại hình dịch vụ vui chơi giải trí phức tạp, thì chức danh cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội là cần thiết bởi khó có thể để cán bộ, công chức nào kiêm nhiệm hiệu quả công việc này. Theo ông Hưng, thì tùy theo địa bàn mà bố trí chức danh này cho hợp lý, trong đó quan trọng là giữ vững thành quả của các chương trình “5 không”, “3 có”…
Một chức danh không đưa vào định suất, cũng gây nên bàn cãi ở cơ sở, là cán bộ phụ trách tổ dân phố. Theo ông Nguyễn Mạnh Hưng, thì việc không đưa chức danh này vào định suất là hợp lý, vì không cần thiết. Do đó, phường Thạch Thang đã bố trí cán bộ làm công tác này sang thu thuế nhà đất để hưởng phần trăm tổng số thu. Trong khi đó, ông Văn Thanh Quảng cho rằng, chức danh này là cầu nối quan trọng, kết nối các tổ dân phố với nhau và với chính quyền phường; bởi nếu không có thì sẽ tạo nên sự rời rạc trong hệ thống chính trị dưới phường.
“Làm thì chúng tôi làm được, nhưng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để thống nhất trong tư tưởng và thực hiện” - Ông Quảng kiến nghị.
Bài và ảnh: Anh Quân