Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình, mưa lớn trong 3 ngày vừa qua đã gây sạt lở nghiêm trọng và ngập úng tại nhiều địa phương trên địa bàn.
Cụ thể, Quốc lộ 6, đoạn qua dốc Cun km79+100, tại tuyến đường 443, qua địa phận xã Hòa Bình (TP Hoà Bình) và huyện Đà Bắc đã xảy ra 6 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khoảng trên 1.600 m3.
Tuyến đường 432 địa phận huyện Mai Châu cũng bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng đất đá hơn 800m3 tại 12 điểm.
Tại huyện Cao Phong, mưa lớn đã làm ngập úng nhiều điểm. Trong đó, điểm ngập úng nặng nhất là khu vực tiểu khu 4, thị trấn Cao Phong.
Từ sáng 28/9, địa bàn các huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Lương Sơn, TP Hòa Bình nhiều ngầm tràn bị ngập, nước chảy xiết, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Ban chỉ huy PCTT - TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại các vị trí xảy ra sạt lở đất, đá, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác, huy động lực lượng khắc phục với phương châm "4 tại chỗ”; tiến hành san gạt khối lượng đất sạt lở xuống lòng đường, bảo đảm người dân có thể lưu thông bằng xe máy.
Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương huy động vật tư, nhân lực cắm biển cảnh báo, rào chắn, hướng dẫn phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Lực lượng chức năng dọn đất, đá bị sạt lở tại khu vực dốc Cun, thành phố Hòa Bình (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình dự báo, trong những giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình từ 50 - 70 mm, có nơi trên 70 mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, đặc biệt là sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, trên các taluy dương đường giao thông, khu vực có địa chất kém, ngập úng, trũng thấp tại các xã thuộc vùng núi.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình ban hành Công điện yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.