Sau 418 năm, thanh Long đao của Mạc Thái tổ trở về cố hương

Cận kề ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ở xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy), vùng đất Dương Kinh- kinh đô thứ 2 của vương triều Mạc náo nức hàng loạt hoạt động ý nghĩa hướng về dịp lễ trọng này. Người dân tụ hội về khu tưởng niệm vương triều Mạc dự lễ rước và khai quang an vị tượng các vua nhà Mạc, đúc Đại Hồng Chung 1,5 tấn đồng, khánh thành khu chính điện thờ các vua nhà Mạc. Đặc biệt xúc động là lễ cung rước thanh Long đao gần 500 tuổi của Thái tổ Mạc Đăng Dung từ Nam Định về Cổ Trai…

Cận kề ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ở xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy), vùng đất Dương Kinh- kinh đô thứ 2 của vương triều Mạc náo nức hàng loạt hoạt động ý nghĩa hướng về dịp lễ trọng này. Người dân tụ hội về khu tưởng niệm vương triều Mạc dự lễ rước và khai quang an vị tượng các vua nhà Mạc, đúc Đại Hồng Chung 1,5 tấn đồng, khánh thành khu chính điện thờ các vua nhà Mạc. Đặc biệt xúc động là lễ cung rước thanh Long đao gần 500 tuổi của Thái tổ Mạc Đăng Dung từ Nam Định về Cổ Trai…

 

Lãnh đạo huyện Kiến Thụy và đông đảo con cháu họ Mạc nghênh đón thanh Long đao tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc
Lãnh đạo huyện Kiến Thụy và đông đảo con cháu họ Mạc nghênh đón thanh Long đao tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc

Bảo đao 500 tuổi và hành trình 418 năm

 

Ông Mạc Như Thiết, trưởng họ Mạc ở Cổ Trai (Ngũ Đoan, Kiến Thụy) không giấu nổi xúc động: “Chúng tôi không thể tin được sau 418 năm ra đi khỏi  đất Cổ Trai, thanh Long đao của Mạc Thái tổ lại trở về đúng dịp kỷ niệm 469 năm ngày mất của Người. Thời còn làm tướng, đức Mạc Thái tổ thường sử dụng thanh đại đao này xông pha trận mạc. Khi Mạc Thái tổ băng hà, thanh đại đao được thờ ở Thái miếu, sau lại được đem về thờ ở Lăng miếu Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long. Lúc ấy thân vương Mạc Đăng Thận là người coi giữ Sơn Lăng Cổ Trai. Trước ngày nhà Trịnh tấn công tàn phá Dương Kinh, thân vương Mạc Đăng Thận cho hoá trang mộ phần rồi mang 500 quân ra trấn giữ Đồ Sơn. Triều đình ly tán, thân vương Mạc Đăng Thận buộc phải rời Đồ Sơn , giả làm nhà buôn, mang theo thanh long đao của tiên đế cùng “của gia bảo” xuống thuyền lánh nạn. Đoàn thương thuyền của thân vương lênh đênh trên biển cả, một thời gian sau quay mũi, thuận gió đông bắc, tiến vào vùng cửa sông Hồng, thuộc miền duyên hải huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam hạ. Thân vương giong thuyền vào cửa Lạng Môn, về đất Kiên Lao định cư. Ông đổi họ thành họ Phạm, giữ bộ thảo đầu chữ Mạc để con cháu các đời sau ghi nhớ nguồn cội tổ tông. Đến năm 1986, chi họ Mạc ở Cổ Trai mới biết thanh long đao của Mạc Thái tổ được thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc, thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Trường, huyện Xuân Trường (Nam Định). Chúng tôi vào ngay Xuân Trường để được tận mắt nhìn thấy thanh long đao của Mạc Thái tổ. Nhìn thấy thanh long đao dài 2m55, nặng 25,6 kg bằng sắt rỗng, có hình đầu rồng của Mạc Thái tổ, không ai cầm được nước mắt. Vui hơn là anh em dòng tộc gốc Mạc sau bao đời lưu tán tìm được nhau. Cũng từ khi ấy, rất nhiều dòng họ gốc Mạc cũng tìm về Xuân Trường và Cổ Trai kết nối, bái yết tiên tổ và báu vật dòng tộc. Đến nay, thanh bảo đao gần 500 tuổi của Mạc Thái tổ được thờ ở chi họ Phạm gốc Mạc, thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Trường, huyện Xuân Trường là 418 năm. Hiện đây là thanh bảo đao có cân nặng, kích thước và tuổi đời cao nhất khu vực Đông Nam Á”.

 

Xúc động, mừng vui khôn tả là cảm xúc chung của những người con họ Mạc, gốc Mạc về đất Dương Kinh xưa  để chứng kiến ngày cung rước thanh bảo đao từ Nam Định về khu tưởng niệm vương triều Mạc mới được xây dựng. Sau khi tế lễ và báo cáo với tiên tổ tại từ đường họ Mạc, thanh bảo đao được long trọng rước về khu vực nhà chính điện thờ các vua nhà Mạc tại khu tưởng niệm. Gần 1000 người con họ Mạc, gốc Mạc, nhân dân huyện Kiến Thụy và du khách gần xa thành kính đi sau đoàn tế rước, tự hào khi được tận mắt nhìn thấy thanh đại đao có một không  hai này.

 

Thanh Long đao của Mạc Thái tổ tại Nhà thờ họ Phạm gốc Mạc tại huyện Xuân Trường (Nam Định)
Thanh Long đao của Mạc Thái tổ tại Nhà thờ họ Phạm gốc Mạc tại huyện Xuân Trường (Nam Định)

Tấm lòng với cội nguồn

 

Ông Phạm Đức Thụ, người trực tiếp trông giữ từ đường họ Phạm gốc Mạc ở Xuân Trường ( Nam Định) nói trong nước mắt: “Đối với dòng họ, thanh bảo đao này là một báu vật, gắn bó máu thịt suốt 418 năm qua. Để bảo vệ di vật này của tiên tổ chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí là cả máu và nước mắt. Theo gia phả dòng họ và lời truyền ngôn của các bậc cao niên, cây bảo đao của Mạc Thái tổ có linh ứng. Cứ mỗi khi con cháu trong dòng họ có việc gì đều làm lễ trước thanh long đao của Mạc Thái tổ, xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Nhiều người trong dòng họ đã đỗ đạt cao, làm tướng phù trợ cho nhiều đời vua. Năm 1821, triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn mượn thanh long đao của Mạc Thái tổ làm linh khí trên chiến địa. Để bảo vệ báu vật, họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu thanh long đao ngay trong đêm, không để báu vật của tiền nhân vào tay “vua Phan Bá Vành”. Thế rồi mưa nắng nhiều năm làm mất dấu tích nơi chôn giấu. Đến năm 1938, họ Phạm Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, tìm thấy thanh long đao sau hơn 90 năm chìm trong lòng đất. Thanh long đao được rước về từ đường phụng thờ như trước. Năm 1957, Bảo tàng tỉnh Nam Định tha thiết đề nghị dòng họ đưa thanh long đao về bảo tàng lưu giữ. Nhưng các cụ trong dòng họ kiên quyết không tán thành nên thanh long đao vẫn tại vị tại từ đường họ Phạm. Lần này, dòng họ quyết định rước thanh long đao về Cổ Trai cũng là một quyết định không dễ dàng. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của nhiều chi họ Mạc trên toàn quốc, theo đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, Ban vận động khu tưởng niệm vương triều Mạc, huyện Kiến Thụy và di nguyện của tiên tổ, nhân dịp hoàn thành xây dựng khu tưởng niệm vương triều Mạc, công trình hướng đến 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định quyết tâm cung rước thanh long đao của Mạc Thái tổ về lại Cổ Trai”.

 

 Với tất cả lòng thành kính và ý thức trách nhiệm gìn giữ báu vật của Mạc Thái tổ, sau khi cung rước thanh long đao về khu Chính điện, Ban quản lý khu tưởng niệm trân trọng đặt thanh long đao trong hộp kính, hút chân không, bảo quản báu vật với kỹ thuật tiên tiến. Hiện thanh long đao đang được thờ trước tượng thờ vua Mạc Đăng Dung tại nhà chính điện. Cùng với việc bảo vệ báu vật này, huyện Kiến Thụy đang từng bước xây dựng khu tưởng niệm vương triều Mạc thành điểm nhấn văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh của Hải Phòng, đặc biệt thu hút du khách trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

 

Hoàng Yên

Ảnh: Duy Lân

Đọc thêm