Sau một năm hoạt động của Ban nông nghiệp xã (kỳ II)

Hoạt động của BNNX tuy đã đạt được những kết quả bước đầu song thực tế vẫn còn nhiều điều phải quan tâm và khắc phục. Đó là số lượng, chất lượng cán bộ BNNX ở một số địa phương chưa đồng đều cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như công tác quản lý. BNNX ở một số xã, thị trấn hoạt động còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

(Tiếp theo và hết)
II- Những vấn đề đặt ra

Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, đội 5, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) trồng 4 sào cà chua đông, năng suất ước đạt 2,5 tấn/sào.  Ảnh: Đức Đạt
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, đội 5, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) trồng 4 sào cà chua đông, năng suất ước đạt 2,5 tấn/sào.
Ảnh: Đức Đạt

Hoạt động của BNNX tuy đã đạt được những kết quả bước đầu song thực tế vẫn còn nhiều điều phải quan tâm và khắc phục. Đó là số lượng, chất lượng cán bộ BNNX ở một số địa phương chưa đồng đều cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như công tác quản lý. BNNX ở một số xã, thị trấn hoạt động còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Theo Chi cục Phát triển nông thôn thì một số BNNX  mới chỉ hình thành bộ máy trên danh nghĩa(?); việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất của BNNX ở nhiều địa phương còn chồng chéo với HTXNN; công tác xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp còn chậm, nhiều việc chưa nắm được. Một số xã vẫn dựa chủ yếu vào HTXNN để chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp chưa tách hẳn chức năng quản lý Nhà nước của UBND xã, thị trấn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ của HTXNN. Điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động của BNNX chưa thống nhất, thường chậm thanh toán, thậm chí phụ cấp của phó ban cũng như nhân viên kỹ thuật của BNNX tại một số xã viên trích từ vốn quỹ của HTX để chi trả... Sau gần 1 năm hoạt động vẫn còn gần 30% số BNNX trên địa bàn tỉnh hoạt động yếu; 30% hoạt động trung bình, nhiều mặt hoạt động yếu kém.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên, xã viên HTX chưa đầy đủ, chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của HTXNN theo Luật HTX. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đối với BNNX. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong BNNX chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; Đảng uỷ, UBND xã chưa quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, điều kiện làm việc, chế độ thù lao cho cán bộ BNNX... Là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước thành lập 100% BNNX tại các xã, thị trấn, phường trên địa bàn có sản xuất nông nghiệp nên tỉnh ta vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tìm hướng đi thích hợp.

BNNX hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tăng cường quản lý nhà nước của UBND cấp xã đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn, đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và là tiền đề thúc đẩy HTXNN chuyển đổi theo Luật HTX, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM) theo 19 tiêu chí nhà nước đã ban hành. Vì vậy việc củng cố, xây dựng BNNX vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và của toàn dân. Hiện tại trong tổng số 211 BNNX trên địa bàn tỉnh mới có 98 xã, phường, thị trấn có phó ban. Vấn đề đặt ra là phải tập trung kiện toàn BNNX để tất cả 211 BNNX đều có đội ngũ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; thành phần gồm: Trưởng ban, phó ban, nhân viên khuyến nông - khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y, giao thông, thuỷ lợi và quản lý đê nhân dân (ở những xã có đê). Về số lượng BNNX nhiều nơi vẫn chưa đủ, chất lượng đội ngũ cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tổng số 211 BNNX mới có 105 người có trình độ đại học hoặc cao đẳng; 349 người, chiếm 27,35% tổng số cán bộ, nhân viên của BNNX chưa qua đào tạo bất kỳ một chuyên môn kỹ thuật nào(!) và có 19 người đã ở độ tuổi 60 trở lên. Thực tế cho thấy, những người chưa qua đào tạo khó có thể làm tốt việc tham mưu cho Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo, điều hành sản xuất khi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đang thay đổi hàng ngày(?) Với nhân viên khuyến nông, khuyến ngư ngoài tiếp thu các chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc còn quản lý theo dõi lĩnh vực mình đảm trách, đồng thời xây dựng các mô hình tiến bộ kỹ thuật (cả trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phân bón…) để nhân rộng. Nhân viên bảo vệ thực vật, nhân viên thú y… còn kết hợp chỉ đạo tổ bảo vệ thực vật, tổ tiêm vắc xin phòng bệnh… Vì vậy đội ngũ cán bộ BNNX cần được đào tạo, đào tạo lại và thường xuyên được cập nhật những kiến thức KH-KT mới.

Hiện nay cả 211 xã, phường, thị trấn đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, Sở Tài nguyên - Môi trường đã cấp bản đồ để các xã, phường, thị trấn tiến hành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, theo thống kê của Sở NN-PTNT, cả 211 xã, phường, thị trấn đã ký hợp đồng nguyên tắc triển khai xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với 7 cơ quan tư vấn và đã điều tra xong hiện trạng; 146 xã, thị trấn đã xây dựng xong phương án quy hoạch; 44 xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị thẩm định quy hoạch; 122 xã, thị trấn đã được UBND huyện phê duyệt đề cương, dự toán quy hoạch và 4 xã, thị trấn đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp… Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các xã, thị trấn phải hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2020 và UBND huyện duyệt xong trước 31-12-2010. Đây là “cẩm nang” để cho BNNX hoạt động. Từ quy hoạch này, BNNX định ra nhiệm vụ cho từng vụ, từng năm… Không chỉ BNNX đề ra chỉ tiêu phấn đấu theo từng thời gian mà UBND xã, thị trấn cũng phải giao nhiệm vụ và kiểm tra đôn đốc cụ thể với BNNX. UBND xã bố trí địa điểm làm việc, kinh phí hoạt động vùng với kinh phí, chế độ của tỉnh để BNNX hoạt động tốt hơn.

Hoạt động của BNNX đã khẳng định chủ trương thành lập BNNX ở tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh và đưa vào hoạt động là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn ở địa phương để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đồng thời là tiền đề có ý nghĩa quyết định đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Tuấn Anh

Đọc thêm