SCIC bán 21,79% vốn điều lệ của Vinaconex: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

(PLO) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang triển khai bán 21,79% vốn điều lệ của TCty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu. Buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinaconex tổ chức chiều qua, 16/11 đã thu hút đông đảo nhà đầu tư (NĐT) tham gia…
SCIC bán 21,79% vốn điều lệ của Vinaconex: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Thương hiệu “hot” trên thị trường bất động sản

Theo đại diện Vinaconex, đến năm 2018 này, Vinaconex có bề dầy 20 năm phát triển  và cột mốc quan trọng của DN này là sau 11 năm thành lập, năm 1999, Vinaconex chính thức bước vào lĩnh vực đầu tư bất động sản (BĐS) với dự án BĐS đầu tiên tại Hà Nội.

Cho đến nay Vinaconex là một trong số các NĐT có uy tín đối với TP Hà Nội và khu vực phía Bắc, DN này cũng đã có thương hiệu nhất định trên thị trường đầu tư BĐS tại Hà Nội.

Hiện Vinaconex tập trung vào các dự án có quy mô vừa đến lớn với những dự án tiêu biểu như: Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, chung cư 93 Láng Hạ, 97-99 Láng Hạ, chung cư 2B Vinata, chung cư 25 Nguyễn Huy Tưởng, chung cư Bắc Ninh Complex… Ngoài ra Vinaconex còn đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ (Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thượng Đình), khu nhà ở Bắc An Khánh, khu đô thị Bắc An Khánh (giai đoạn 1), khu biệt thự BT5 (giai đoạn 2).

Vinaconex cũng được biết đến trong lĩnh vực đầu tư các nhà máy xi măng (Cẩm Phả, Yên Bình), các nhà máy thủy điện (Cửa Đạt, Ngòi Phát); lĩnh vực giáo dục (Trường  PTCS - PTTH Lý Thái Tổ, Trường tiểu học Lý Thái Tổ, Trường Mẫu giáo Lý Thái Tổ); Lĩnh vực BĐS hạ tầng (đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, hệ thống cấp nước Sông Đà, cải tạo nâng cấp quốc lộ đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, dự án cấp nước Lào Cai, Khu công nghiệp cao Bắc Phù Cát…

Theo thông tin công bố tại roadshow, năm 2008, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ lên tới 9,53; đến thời điểm 30/9/2017 hệ số vốn phải trả trên vốn chủ sở hữu đã giảm xuống còn 0,63; Tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 39%; Đặc biệt DN này chưa từng phát sinh nợ quá hạn; Hiện tổng hạn mức tín dụng cho vốn lưu động đã ký với các ngân hàng là 1.900 tỷ đồng; Tổng hạn mức bảo lãnh 4.750 tỷ đồng; Lãi vay vốn lưu động các ngân hàng áp dụng cho DN ở mức thấp nhất; Số dư vốn lưu động khoảng 580 tỷ đồng, tương đương 10% vốn chủ sở hữu.

Các NĐT đặc biệt quan tâm đến các mục tiêu SXKD của Vinaconex trong vòng 5 năm tới (2017- 2022) khi DN này công bố tốc độ tăng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận bình quân  đều từ  10- 15%/năm; Tỷ lệ cổ tức đạt từ 10- 12%. DN cũng cam kết chậm nhất đến năm 2022 sẽ hoàn thành công tác tái cấu trúc DN theo chiến lược đã xây dựng.

“Đây là những con số dựa trên thực tế kết quả kinh doanh 3 năm qua. Thực tế 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng năm sau so với nâm trước luôn đạt từ 10- 15%, đặc biệt 9 tháng đầu năm 2017, nhiều chỉ tiêu của chúng tôi đã hoàn thành vượt kế hoạch…” - ông Đỗ Trọng Quỳnh, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinaconex khẳng định.

Sẽ hoàn tất việc bán cổ phần trong tháng 12

Theo đại diện SCIC, số lượng cổ phần SCIC chào bán lần này là 96.255.310 cổ phần (tương đương 21,79% vốn điều lệ), giá khởi điểm sẽ được công bố tại ngày công bố thông tin. Đại diện SCIC cũng lưu ý giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu VCG của Vnaconex tại ngày chào bán. 

Đại diện SCIC cũng khẳng định có trên 2 NĐT đủ diều kiện tham dự có thể tổ chức chào bán cạnh tranh; Trường hợp có 1 NĐT đăng ký mua hợp lệ, SCIC sẽ bán thỏa thuận trực tiếp cho NĐT nếu NĐT có văn bản chấp thuận trước 17h ngày dự kiến tổ chức chào bán…

Theo kế hoạch từ 28/11 đến 7/12 sẽ thực hiện công bố thông tin quy chế, giá khởi điểm, đăng ký và đặt cọc; Ngày 8/12 sẽ tổ chức chào bán và dự kiến hoàn tất giao dịch vào ngày 20/12.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, sau khi bán 21,79% cổ phần tại Vinaconex, SCIC còn nắm 36% vốn điều lệ của Vinaconex. “Theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017, ngành nghề của Vinaconex ko thuộc ngành nghề nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần lâu dài, do vậy SCIC sẽ thoái hết vốn nhà nước tại Vinaconex trong tiến trình đến năm 2020. Còn bước đi như thế nào nắm trong tiến trình tái cơ cấu mà Đại hội cổ đông của Vinaconex đã thông qua. Về thời điểm thoái vốn, chúng tôi sẽ cân nhắc sao cho có lợi nhất, đạt được kỳ vọng của SCIC…”-Chủ tịch SCIC cho hay.

Đọc thêm