SCIC bán hơn 2.600 tỷ đồng vốn, thu hơn 7.600 tỷ

Theo SCIC, công tác bán vốn tại doanh nghiệp năm 2018 đạt được hiệu quả đột biến, đem lại giá trị thặng dư lớn cho nhà nước.

Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ với báo chí, năm 2018, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng (tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề, vốn tiếp nhận chỉ ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, đến nay, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng.

Trong năm 2018, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 2 doanh nghiệp) và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 2 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng đạt tỷ lệ 2,94 lần.

Đặc biệt, thành công của công tác bán vốn năm 2018 không nằm ở số lượng, mà còn nằm ở chất lượng, hiệu quả bán vốn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, SCIC đã lựa chọn thời điểm thích hợp, phương thức bán vốn phù hợp để triển khai bán vốn thành công tại một số doanh nghiệp lớn như Nhựa Bình Minh và Vinaconex cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm thoái vốn, đem lại hiệu quả cao cho Nhà nước.

Các thương vụ đáng chú ý như, ngày 9/3/2018, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa Bình Minh, mang lại hiệu quả cao, thu về gần 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ, chênh lệch bán 2.185 tỷ đồng.

Ngày 22/11/2018, SCIC đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG). Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.

Không chỉ bán vốn, trong năm 2018, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp. 

Đến 31/12/2018, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 16.740 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 85.082 tỷ đồng.

SCIC tiếp tục tập trung thực hiện quản trị, củng cố và tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại phát sinh tại một số doanh nghiệp trọng điểm: Tổng công ty cổ phần Điện tử và tin học; Tổng công ty cổ phần Vinaconex; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển HPI...

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, hàng quý SCIC đều rà soát, cập nhật danh sách doanh nghiệp giám sát đặc biệt, tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý về các vướng mắc trong tình hình hoạt động và phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt.

Về kết quả tài chính, đến 31/12/2018, doanh thu ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 ước là 9.467 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch, tương ứng 142% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017. Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch. 

Đọc thêm