[links()]Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Ung Thị Xuân Hương khi được hỏi về định hướng sắp tới cho hoạt động Thừa phát lại tại TP.HCM.
|
Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Ung Thị Xuân Hương |
- Đến nay việc thực hiện thí điểm chế định Thừa pháp lại tại TP.HCM bước đầu mang lại hiệu quả, được người dân hưởng ứng, đón nhận. Vậy xin bà vui lòng nói về một số tín hiệu vui mà TP.HCM đã đạt được?
- Có thể khẳng định, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã đi đúng chủ trương, định hướng; quá trình thực hiện rất khẩn trương và quyết tâm, việc triển khai thực hiện đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương…
Sở Tư pháp vui mừng nhận thấy, họat động thừa phát lại đang dần đi vào lòng dân, được dân tin cậy. Bằng chứng là thời gian qua, nhiều vụ việc được báo chí đăng tải về tài sản lớn đã được dân nhờ đến Thừa phát lại lập vi bằng trước khi xảy ra tranh chấp. Các cơ quan nhà nước như Tòa án, Thi hành án (THA) đã tin cậy giao phó cho Thừa phát lại nhiều công việc như tống đạt, xác minh. Mới đây, THA quận Bình Tân xây dựng trụ sở, đã có mời Thừa phát lại đến lập vi bằng để tránh phát sinh về sau…
Từ những kết quả rất khả quan mà Thừa phát lại đạt được, đã đặt nền tảng và niềm tin vào khả năng nhân rộng mô hình này. Và TPHCM sẽ đề xuất việc mở rộng thực hiện chế định thừa phát lại một cách rộng rãi trong thời gian tới, và trong thời gian chờ đợi, nên cho phép các văn phòng Thừa phát lại tiếp tục họat động.
- Tuy nhiên, trong quá trình lập vi bằng, nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ cấp phường vẫn "ngơ ngác" chưa hiểu rõ lắm về chức năng, nhiệm vụ của thừa phát lại. Vậy phía Sở đã có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến như thế nào để thừa phát lại trở nên quen thuộc, trở thành trợ thủ pháp lý đắc lực của dân, giúp dân hiểu, biết và tin cậy?
- Mặc dù Thừa phát lại là một nghề có truyền thống lâu đời trên thế giới và cũng đã có ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Tuy nhiên, sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, vì nhiều lý do khác nhau, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định Thừa phát lại.
Do vậy, trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại đã được chú trọng thực hiện một cách sâu rộng bằng nhiều hình thức Thời gian tới, bên cạnh những những hình thức thông tin, tuyên truyền đã thực hiện, Sở Tư pháp sẽ tập trung quảng bá hình ảnh Thừa phát lại thông qua các vụ việc cụ thể mà Thừa phát lại đã thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Tức là lấy kết quả để gây ấn tượng cho dân, đi vào lòng dân. Đồng thời, sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức Trung ương có kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại trong phạm vi cả nước.
- Bà có thể chia sẻ những khó khăn, cái "vướng" trong quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại ở TPHCM và Sở đã có kế hoạch gì để khắc phục những khó khăn này?
- Là một hoạt động mới mẻ, nên tất nhiên cái “vướng” cũng còn không ít: Đó là hạn chế trong nhận thức của người dân về họat động thừa phát lại, nhiều đơn vị chưa hợp tác, các DN kinh doanh bảo hiểm “ngại” cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại, các văn phòng còn phải “bù lỗ” do chi phí tống đạt quá thấp, phạm vi của việc lập vi bằng đôi chỗ còn chưa rõ ràng, pháp luật về quản lý thuế, nhà đất, hoạt động tín dụng, đăng ký tài sản… chỉ quy định việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên một số cơ quan, tổ chức đã từ chối cung cấp thông tin cho Thừa phát lại…
Một tiềm năng khác khá lớn trong họat động thừa phát lại nhưng chưa được cho phép, mà trong quá trình triển khai chúng tôi ghi nhận được, đó là về việc tống đạt văn bản. Hiện nay, quy định chỉ cho phép Thừa phát lại tống đạt văn bản của tòa án. Trong khi đó, nhu cầu của người dân về tống đạt văn bản liên quan đến các vụ việc dân sự là rất nhiều.
Ngoài ra, nếu Thừa phát lại được phép mở rộng việc thực hiện tống đạt, thì đối tượng doanh nghiệp, trước nay vẫn thờ ơ, sẽ trở thành “khách hàng” của Thừa phát lại là không ít…
Để gỡ bỏ những cái “vướng” trên, Sở Tư pháp sẽ kiến nghị việc hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Trước mắt, sẽ đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ để mở rộng phạm vi thẩm quyền của Thừa phát lại.
- Xin cảm ơn bà!
Ngọc Mai (thực hiện)