Sẽ không còn cảnh xét tuyển “lướt sóng chứng khoán”

(PLO) - Sau khi Bộ GD - ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển vào đại học (ĐH), nhiều trường trên cả nước tiếp tục công bố mức điểm sàn, điểm chuẩn xét tuyển thí sinh vào trường. Rất nhiều cơ hội trúng tuyển dành cho các thí sinh tùy theo mức điểm của mình. Tuy nhiên, bài toán với nhiều phụ huynh và thí sinh là dù điểm cao cũng vẫn có thể trượt nếu chọn những ngành cạnh tranh quá lớn...
Thí sinh nên lựa chọn ngành học theo đam mê.
Thí sinh nên lựa chọn ngành học theo đam mê.

Hàng ngàn chỉ tiêu tuyển thẳng

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình của trường năm nay sẽ giảm nhẹ, đồng thời sẽ có sự phân top mạnh hơn giữa các ngành, chương trình so với năm 2015. Trường xét tuyển 4 tổ hợp: A00 (Toán,Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Anh văn); D01 (Toán, Ngữ văn, Anh văn) và B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), chương trình định hướng ứng dụng (POHE) chỉ xét tuyển tổ hợp A01, D01 với tiếng Anh là môn chính hệ số 2, ngành Ngôn ngữ Anh chỉ xét tuyển tổ hợp D01 với tiếng Anh là môn chính hệ số 2. Các tổ hợp xét tuyển của vào các ngành, chương trình một cách bình đẳng, tức là điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xét tuyển bằng 0 (không).

Thí sinh cần nộp ngay bản chính phiếu thi

Sau ngày 1/8, thí sinh chỉ được đăng ký 2 trường. Nếu đăng ký 3 trường trở lên, hệ thống tự động chọn 2 trường. Ngoài đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh vẫn có thể nộp hồ sơ theo hình thức truyền thống. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh: Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, thí sinh đã trúng tuyển theo nguyện vọng phải nộp phiếu xác nhận kết quả thi (năm nay chỉ cấp một phiếu duy nhất, không chấp nhận nộp giấy photocopy) đúng thời hạn để khẳng định việc lựa chọn nguyện vọng theo học.

Trường ĐH Thủy lợi nhận định, mặt bằng chung điểm thi năm nay cao hẳn thì hiếm, phổ điểm tập trung ở giữa, từ 4-8, nhiều nhất là 5-7. Với mặt bằng chung này, điểm chuẩn sẽ giảm 1-2 điểm so với năm 2015. 

Năm 2016, Trường ĐH Công Đoàn chỉ xét tuyển thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT trở lên và không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.

Trường ĐH Ngoại thương công bố mức điểm xét tuyển đợt 1 vào hệ ĐH chính quy của trường năm 2016. Cụ thể, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) như sau: Cơ sở tại Hà Nội, đối với các ngành có các môn xét tuyển tính hệ số 1, nhận hồ sơ thí sinh khối A đạt từ 22 điểm. Các khối A1, D1, D2, D3, D4, D6 từ 20,5 điểm. Đối với các ngành có môn thi Ngoại ngữ tính hệ số 2, trường nhận hồ sơ từ 27,5 điểm. Cơ sở 2 TP HCM, với các ngành có các môn xét tuyển tính hệ số 1, nhận hồ sơ thí sinh khối A đạt từ 22 điểm. Các khối A1, D1, D6 từ 20,5 điểm.

Lo lắng xét tuyển như “chơi chứng khoán”

Từ 1/8, thí sinh chính thức đăng kí xét tuyển vào nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH. Theo đó, một thí sinh có thể đăng ký hai tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào hai trường, mỗi trường hai NV trong một đợt tuyển sinh. Nếu đăng ký trực tuyến thì thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng ký quá nhiều NV. Những hồ sơ của thí sinh gửi theo đường bưu điện sẽ được cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống. Nếu NV nào tới trước được nhập trước, nếu thí sinh nộp quá NV cho phép thì NV gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm.

 Theo TS Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán” là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một NV vào một  trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là NV1. Do đó, theo TS Vũ Viết Bình, các phụ huynh và thí sinh là cần dựa vào sở thích, năng lực và sở trường thực sự của học sinh để lựa chọn chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là việc “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn thí sinh đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.

Nhóm trường GX gồm 12 trường đại học, bao gồm: 

Danh sách 12 trường trong nhóm GX: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghệ Giao thông vận tải. Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX: Thí sinh có thể đăng ký 4 NV vào 4 trường của thuộc nhóm GX (mỗi trường 1 NV) thay vì chỉ được đăng ký vào 2 trường nếu đăng ký vào các trường không thuộc nhóm GX (mỗi trường 2 NV), điều này giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành mình yêu thích hơn. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương giải thích: “Nhóm tuyển sinh riêng GX sử dụng hệ thống dữ liệu xét tuyển chung nên sẽ không có tình trạng “trúng tuyển ảo” như năm trước, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian xét tuyển”.

Đọc thêm