Siêu thị được khuyến mại 3 lần/năm: Bộ Công thương “nhúng tay” quá sâu vào hoạt động của DN?

(PLO) - Dù Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) liên tục thông tin Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến về dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, nhưng có lẽ không ai có thể hiểu được, tại sao Bộ Công Thương lại có thể nghĩ ra những điều khoản kỳ quặc như thế. Phải chăng Bộ đang muốn can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN)?
Doanh nghiệp phản đổi việc Bộ Công thương quy định siêu thị phải mở cửa vào ngày Tết
Doanh nghiệp phản đổi việc Bộ Công thương quy định siêu thị phải mở cửa vào ngày Tết

Vẫn còn “xin - cho”

Trong các số báo gần đây, PLVN đã đưa thông tin về việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương phản đối về Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Nhiều điều khoản được trích dẫn cho thấy Bộ quản lý này đang can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của DN khi quy định các tiểu tiết quá nhỏ như trong Dự thảo.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý siêu thị Fivimart) cho biết, dù đã rất cố gắng để hiểu được ý của Bộ Công Thương nhưng vẫn không thể hiểu nổi quy định “được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá mỗi năm, mỗi đợt tối thiểu 30 ngày, dưới sự cho phép của Bộ” là như thế nào? 

“Với quy định như trên thì có nghĩa là những khuyến mại nhỏ, lẻ khác không được làm hay vẫn được làm các đợt nhỏ lẻ? Chúng tôi phải hiểu quy định này như thế nào? Và nữa, tại sao tổ chức các đợt khuyến mãi lại phải xin phép Bộ? Đây là quyền quyết định của DN cơ mà?”,  bà Hậu bức xúc. 

Chưa hết, theo bà Hậu, còn điều khoản cực kỳ kỳ quặc nữa là việc quy định trong mỗi đợt khuyến mãi phải có 70% lượng hàng hóa trưng bày trong siêu thị phải giảm giá. Đồng thời quy định luôn, nếu siêu thị quy định mua mặt hàng thứ 2 được giảm giá thì sẽ không được tính vào số lượng 70% hàng khuyến mại. “Nếu không đủ 70% lượng hàng thì không được làm khuyến mại sao? Tại sao một cơ quan quản lý nhà nước lại đi vào tiểu tiết  đến như thế?”, bà Hậu đặt câu hỏi.

Bình thường, khuyến mại là để khách hàng làm quen với sản phẩm mới hoặc hàng hóa sản xuất ra nhiều mà sức tiêu thụ chậm quá. Theo bà Hậu, đây là những chuyện thường xuyên diễn ra ở các siêu thị, nếu phải chờ đến đợt khuyến mại thì hàng có thể hết hạn sử dụng. Hoặc hiện nay vẫn còn xảy ra hiện tượng giải cứu nông sản, hình thức này sẽ được gọi tên là gì?

Đại diện một siêu thị lớn cũng đặc biệt phản đối các quy định về chương trình khuyến mãi vì “việc này là chiến lược kinh doanh riêng của từng đơn vị, tại sao lại quy định cả về những việc liên quan đến chiến lược phát triển của DN. Bộ lấy tư cách gì quyết định chiến lược kinh doanh của chúng tôi?” - vị đại diện không giấu bức xúc đặt câu hỏi. 

Bộ muốn “bù” lại những điều kiện đã cắt giảm?!

Trong dự thảo cũng có những quy định về giờ đóng, mở siêu thị. Theo đó, tất cả các siêu thị phải mở cửa tất cả các ngày nghỉ lễ và đóng cửa lúc 22h.

“Mùa đông giờ đấy ai ra đường? Tôi mở cửa bật đèn mất chi phí mà không bán được hàng thì ai chịu cho tôi?”,  bà Hậu phản bác quy định của Bộ này.

Cũng theo đại diện Công ty CP Nhất Nam, các chủ DN tự biết bán hàng vào ngày nào đông khách, bởi bình thường, dù không quy định thì các dịp lễ, cuối tuần siêu thị vẫn mở cửa. “Nhưng riêng Tết thì không thể bắt siêu thị mở cửa được. Lương trả cho ngày nghỉ Tết thường gấp 4-5 lần ngày làm việc bình thường, trong khi doanh số bán hàng bằng 0, nhân viên nào cũng muốn về nghỉ Tết. Đây rõ ràng là quyền quyết định của DN, không cần ai phải quyết định hộ chúng tôi cả”, bà Hậu khẳng định. 

Được biết, mấy năm gần đây, Fivimart nằm trong Trung tâm thương mại Aeon mở xuyên cả năm theo quy định của người Nhật, nhân viên của Fivimart buộc phải đi làm cả ngày Mùng 1, mùng 2 Tết nhưng chẳng có bất kỳ một khách nào lai vãng đến siêu thị vào ngày Tết. 

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn, sau khi đưa ra quá nhiều điểm bất hợp lý và kỳ quặc, đã cho rằng, những người đưa ra các điều khoản trong Dự thảo chắc đang ở trên…“mây”! Vị đại diện này cho rằng, thời kỳ cơ chế thị trường, DN tự bỏ vốn kinh doanh, họ có quyền quyết định tất cả những chương trình liên quan đến hàng hóa của họ, miễn là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. 

Trong khi Bộ Công Thương đã và đang được Chính phủ tuyên dương cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tốt nhất thì những điều khoản  đưa ra trong Dự thảo phải chăng là “mầm mống” của các ĐKKD mới? Vị đại diện này không ngần ngại đặt câu hỏi: “Hay là họ cắt quá nhiều rồi nên giờ họ muốn bù lại chăng?”. 

Ông ví dụ siêu thị rộng thì tốt, trưng bày được nhiều hàng hóa, có không gian hấp dẫn người tiêu dùng, tại sao phải quy định trần diện tích siêu thị? Tại sao lại quy định giờ đóng mở cửa chung trên toàn quốc khi mỗi vùng miền, địa phương đều có những thói quen và đặc trưng về giờ giấc sinh hoạt chung. Ví như các siêu thị ở tỉnh lẻ, miền núi mà phải mở cửa đến 10h đêm thì nhân viên chỉ ngồi… “đuổi muỗi” vì bà con thường lên giường từ… 8h tối. 

Bộ Công Thương khẳng định, Dự thảo sẽ không tạo thêm ĐKKD, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các DN mà nhằm tạo hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nhưng tại sao những điều kỳ quặc nhất vẫn được đưa vào Dự thảo?