Đến học kỳ II năm 2009 - 2010, hầu hết ĐH đã triển khai hoạt động sinh viên đánh giá giảng viên dù chưa có tổng kết, hướng dẫn chính thức từ Bộ GD - ĐT. Tuy nhiên, việc đánh giá này vẫn… chưa đem lại kết quả rõ rệt.
|
Minh Huy, sinh viên ĐH Hoa Sen cho biết: “Trường đã thực hiện đánh giá giảng viên từ mấy năm nay, nhưng đánh giá xong vẫn không thấy thay đổi gì nhiều. Những GV dạy không hiệu quả vẫn đứng lớp bình thường”.
Hải Đăng, sinh viên một ĐH tại TP HCM cũng chia sẻ, bốn năm qua, trường vẫn tổ chức sinh viên đánh giá, chấm điểm giảng viên đều đặn. Nhưng hầu hết giảng viên của trường đã vào biên chế, nên cũng không thấy nhà trường có hình thức xử lý đối với giảng viên kém chất lượng.
Nhiều sinh viên cho rằng, mặt tích cực của việc “chấm điểm” này là giúp giảng viên hiểu được cách nhìn nhận của sinh viên với phương pháp giảng dạy của mình, từ đó có sự thay đổi. Tuy nhiên, nó vẫn mang tính hình thức, bởi bản thân mỗi giảng viên - dù có tiếp thu - nhưng cũng khó để thay đổi cách giảng dạy, và sinh viên - dù rất muốn - nhưng cũng ít khi dám đưa ra nhận xét khách quan về người thầy của mình.
Một hình thức “chấm điểm” khác đã được sinh viên ĐH Văn Hiến và ĐH Mở TP HCM vẫn làm thường xuyên là trực tiếp phản ánh chất lượng của GV tại khoa. Có điều, khoa tiếp nhận góp ý của SV xong tình hình vẫn không có gì thay đổi. M.H, sinh viên khoa Du lịch (ĐH Văn Hiến) kể, năm đầu tiên có một GV hơi lớn tuổi giảng bài rất nhỏ và phương pháp giảng dạy không hay, lớp đề nghị đổi giảng viên nhiều lần nhưng không được. “Cuối cùng mới biết, thầy là giảng viên cơ hữu của trường nên không thể không bố trí giờ lên lớp”, M.H nói.
Nhiều sinh viên thuộc ĐH Tôn Đức Thắng, Bách Khoa, Công nghiệp TP HCM…, có ý kiến: “nên để sinh viên chọn giảng viên cho mình”. Nguyễn Văn Phước, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng, không phiếu đánh giá nào có giá trị bằng việc để sinh viênchọn thầy.
“Ngay ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cùng một môn học, nhưng với giảng viên có phương pháp giảng dạy hay thì sinh viên đi học trễ là không có chỗ ngồi. Nhưng ở một lớp khác, giờ học thuận lợi hơn, mà giảng đường vẫn… vắng vẻ. Thiết nghĩ, nhà trường chỉ cần nhìn vào đó là biết chất lượng giảng dạy của giảng viên”, sinh viên này thẳng thắn bày tỏ quan điểm
Theo Đất Việt