Trước đây, với lối học đọc – chép, mọi hoạt động đào tạo đều xoay quanh người thầy, sinh viên hoàn toàn thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Hiện nay, với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên có thể tự quyết định thời gian học, môn học, đồng thời lựa chọn giảng viên.
|
Trường ĐH Hàng hải là một trong 20 trường đại học đầu tiên của cả nước áp dụng phương pháp đào tạo theo hình thức tín chỉ năm học 2007-2008, thí điểm đối với 500 sinh viên khoa Kinh tế -Vận tải biển. Từ năm học 2009 tới nay, toàn bộ 20 chuyên ngành của nhà trường chuyển sang đào tạo tín chỉ. Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hàng hải cho biết: “Đào tạo theo tín chỉ là hình thức đào tạo tiên tiến trên thế giới, chính là cách để chúng ta ngày càng hội nhập, tiếp cận với phương pháp đào tạo khoa học và quốc tế hóa đào tạo. Với học chế tín chỉ, người học trở thành trung tâm của quá trình đào tạo. Đào tạo tín chỉ cho phép sinh viên có thể tự quyết định thời gian học, môn học, thời khóa biểu, miễn là họ hoàn thành đầy đủ các tín chỉ. Trong chương trình đào tạo của các khoa, có nhiều môn học cho phép sinh viên có thể lựa chọn theo ý thích, khả năng của mình. Ví dụ trong học kỳ 7 của khoa Công nghệ thông tin, sinh viên có thể lựa chọn học 1 trong 2 môn là Thiết kế trình, duyệt web hoặc Phát triển mã mở. Hiện tại, đào tạo tín chỉ tại ĐH Hàng Hải có 20% học phần sinh viên được phép lựa chọn môn học”.
|
Sinh viên Trường ĐH Hàng Hải thực tập trên tàu Sao Biển (tàu thực hành của trường) |
Khi thực hiện chương trình đào tạo theo tín chỉ, đội ngũ cán bộ, giảng viên của toàn trường cũng phải thay đổi nhận thức cho phù hợp với chương trình đào tạo. Bản chất của đào tạo tín chỉ là người học bỏ tiền ra để thu lượm kiến thức, họ có quyền lựa chọn giảng viên nào đem lại cho họ nhiều kiến thức nhất, có quyền lựa chọn thời gian học phù hợp với điều kiện của mình. Khi đào tạo tín chỉ sẽ xảy ra hiện tượng có thầy giáo được rất nhiều sinh viên lựa chọn và ngược lại tùy theo kiến thức, khả năng truyền đạt của giáo viên. Do đó, mỗi giảng viên phải không ngừng trau dồi thêm kiến thức, rèn luyện các kỹ năng để được sinh viên chọn.
|
Giờ thực tập của sinh viên Trường ĐH Hàng Hải. |
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường, trong năm 2009 có 383 trong số 652 bài giảng chi tiết được hoàn thành. Các bài giảng môn học này được phân phát rộng rãi trong sinh viên để mỗi người có thể tự tìm hiểu trước khi học chính thức nhằm rút ngắn thời gian học tập. Các quy chế đào tạo, chương trình đào tạo được công khai trong cuốn “Sổ tay sinh viên” giúp sinh viên chủ động lập kế hoạch học tập, nhận biết và thực hiện nghiêm túc các quy định về đào tạo của nhà trường. Nguyễn Văn Trịnh, sinh viên Khoa Điều khiển tàu biển cho biết: “Phương pháp học theo hệ thống tín chỉ giúp sinh viên chủ động trong việc học tập, đề cao tính tự học. Khi chuẩn bị đăng ký học một tín chỉ, chúng tôi có thể đến thư viện nhà trường tìm hiểu về giáo trình trước, có thể mang đĩa CD tới để copy toàn bộ giáo trình đó về nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian học trên lớp”../.
Việt Hòa