Sinh viên mất trộm: Nỗi lo thường nhật

Nắng nóng, mất điện, sinh viên (SV) mất cảnh giác… là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trộm cắp trong các xóm trọ SV giữa thanh thiên bạch nhật.    

Nắng nóng, mất điện, sinh viên (SV) mất cảnh giác… là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trộm cắp trong các xóm trọ SV giữa thanh thiên bạch nhật.

Đau đầu vì  bị trộm “viếng thăm”

Trần Thị N. chưa hết bàng hoàng vì bị kẻ trộm cuỗm mất chiếc màn hình vi tính mới mua.

Trần Thị N. chưa hết bàng hoàng vì bị kẻ trộm cuỗm mất chiếc màn hình vi tính mới mua. 

“Sáng ngày 20-4, mình vừa ra khỏi phòng khoảng 15 phút, khi quay về đã thấy ổ khóa bị kẻ gian cắt ba, bốn nhát. Chiếc màn hình máy vi tính mới mua đã không cánh mà bay”. Trần Thị N. (SV ĐHSP Đà Nẵng) trọ trong khu K 447/14 - Tôn Đức Thắng (Liên Chiểu) lau nước mắt kể. N. tiếp tục: “Tên trộm này khá “nhân đạo” vì hắn còn để lại chiếc CPU. Trong đó, toàn bộ tài liệu và bài luận văn tốt nghiệp mình chưa kịp in. Thôi thì mình còn may hơn bạn khác bị mất sạch”.

Phòng của Lê Văn D. ở ngay cạnh bên phòng N. cũng bị kẻ trộm cắt khóa. “Mới hôm qua mình đi vay bạn được 500 ngàn đồng để đóng tiền phòng, còn giấu trong túi áo, chưa kịp giao cho chủ nhà cũng bị móc sạch” - D. than thở và cho biết thêm, dãy trọ của mình mặc dù đã có cổng nhưng cũng không ăn thua. Từ khi D. chuyển tới ở đây mới gần 3 tháng, xóm trọ đã bị mất trộm khoảng 5 đến 6 lần. Mất thì biết vậy chứ không dám nghi ngờ cho ai. “Mình cũng đang tính chuyển phòng trọ khác, coi chỗ nào an toàn hơn, nhưng giờ ở đâu cũng thấy lo lắng” - D băn khoăn. Khi được hỏi mỗi lần bị mất như vậy, có đi báo cho công an không, tất cả đều lắc đầu. “Bọn mình thấy cũng ngại, với lại ai cũng có tâm lý “của đi thay người”, nên chẳng báo làm gì cho phức tạp” - Hoàng T. (cùng xóm trọ với D.) bộc bạch.

Nạn mất trộm chủ yếu xảy ra ở những xóm trọ SV không có chủ nhà quản lý trực tiếp. Kẻ gian trà trộn vào ra ở các xóm trọ và thường nắm rất chắc lịch trình sinh hoạt của cả xóm nên chỉ cần mọi người sơ hở là chúng hành động. Chúng vớ tất cả những gì có thể mang theo, nhiều nhất vẫn là quần áo,  xe đạp… và nhiều đồ đạc có giá trị khác như tiền bạc, điện thoại, máy tính… Thùy P., SV năm thứ nhất ĐHSP tâm sự: “Mất tài sản còn có thể mua lại được. Khổ nhất vẫn là bị chúng lấy giấy chứng minh, thẻ sinh viên, giấy tờ xe, bằng lái… đem đi cắm thì không biết lúc nào mới làm lại được”.

Chủ yếu do SV thiếu cảnh giác

Lê Văn D. bên chiếc khóa bị kẻ trộm cắt còn nguyên vết.

Lê Văn D. bên chiếc khóa bị kẻ trộm cắt còn nguyên vết. 

Nguyên nhân chủ yếu là SV sống trong môi trường tập thể nên rất mất cảnh giác. Hơn nữa, dưới cái nắng oi bức của khí hậu miền Trung, cùng với tình trạng cúp điện diễn ra. SV ngủ trưa, không đóng cửa, đây chính là kẽ hở cho bọn “đạo tặc” thuận lợi ra tay. Văn Mịch (SV ĐHSP) trọ ở đường Phạm Như Xương vẫn chưa hết tức tưởi khi trong năm học vừa qua bị mất chiếc laptop mới trị giá gần 20 triệu ở xóm trọ, mà đến nay vẫn chưa tìm ra “hung thủ” chỉ vì cái tội “đi học quên khép cửa”. Mịch bức xúc: “Mình ở cùng với một anh học cùng khoa. Hai anh em học khác buổi nhau. Sáng hôm ấy, anh đi học quên không khép cửa. Mình vẫn ngủ trong phòng. Không ngờ, tên trộm đã mò vào cuỗm ngay chiếc máy tính mới mua cách đó 1 tuần”. Được biết, xóm trọ của Mịch phần lớn là con em các gia đình khấm khá, nên được trang bị nhiều thứ đắt tiền. Do đó, đây cũng là địa chỉ bọn trộm thường xuyên “viếng thăm”.

Để tránh tình trạng bị chôm đồ, các bạn SV đã cử người luân phiên nhau trực gác ở xóm, tránh tình trạng “xóm không người, nhà không cửa”; đồng thời, thực hiện 3 có: “có đóng cổng, có khóa phòng và có ở nhà”. Vì vậy, dù ngày hay đêm, xóm trọ lúc nào cũng khóa trái cửa cổng và đề cao cảnh giác. Từ khi mất 5 chiếc xe đạp trị giá gần 4 triệu đồng trong một thời gian ngắn, xóm trọ của Ngô Khắc Phái ở tổ 23 - Chơn Tâm (Hòa Khánh Nam) luôn trong tình trạng căng thẳng. Ban đêm, các bạn khóa cửa trước 21 giờ, không cho người lạ vào. Chủ nhà cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Những thứ có giá trị cũng được cất giữ vào các vị trí an toàn, gửi bạn hoặc luôn mang theo bên mình.

 

Thậm chí, có xóm trọ SV còn chủ động giăng bẫy, bắt trộm nhưng vẫn bị mất trộm. Phương Huyền (SV Khoa Ngữ văn) nói: “Mua laptop khi nào cũng kè kè bên người, không dám để ở phòng trọ vì sợ trộm quá nhiều rồi, lần nào cũng mất cắp, bạn mình có nhiều đứa mất cả máy ảnh rồi. Thêm một lý do nữa, SV thường kéo bạn bè về phòng tụ tập nên an ninh ở xóm trọ cũng trở nên bất an hơn. Các dãy trọ nhiều phòng, người thuê đông và nhiều thành phần thì nạn mất trộm càng dễ xảy ra. Và SV cũng biết không chỉ “trộm ngoài” mà còn có cả “trộm trong”. Chỉ cần chủ quan, mất cảnh giác để mất đồ đạc thì họ lại “méo mặt”, lại phải tằn tiện để sắm đồ mới.

Bài và ảnh: Yên Giang

Đọc thêm