Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có làm khó một hãng taxi truyền thống?

(PLO) - Các ứng dụng Uber, Grab - gọi tắt là taxi công nghệ ra đời đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt thị trường taxi tại Việt Nam. Doanh thu sụt giảm mạnh, nhiều hãng taxi truyền thống đang phải sống lay lắt. 
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có làm khó một hãng taxi truyền thống?

Doanh nghiệp tự cứu mình

Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, đang có khoảng hơn 19.000 taxi trong trạng thái “sống dở chết dở” như vậy. “Thay đổi hay là chết” là câu hỏi mà hầu hết các hãng taxi truyền thống đang phải tìm câu trả lời. 

Taxi Victory là thương hiệu mới được tách ra từ hãng taxi VinaSao, và hãng này đã chọn con đường phải tự thay đổi mình để tồn tại. Giải pháp cạnh tranh mà hãng xe này đưa ra là sẽ phân kỳ mức phí theo giờ chạy của xe; đồng thời áp dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động điều hành và kinh doanh taxi để tiết giảm chi phí, giá thành, đem lại dịch vụ tốt và sự hài lòng cho khách hàng.

Trao đổi với PLVN, bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc chiến lược taxi Victory cho hay, các hãng taxi đang phải chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh. Cạnh tranh giữa các hãng xe truyền thống với nhau về thị phần, thị trường, khách hàng... đồng thời là sự cạnh tranh giữa các loại hình vận tải khác áp dụng các khoa học công nghệ. Do đó, để có thể tồn tại, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh, tiết giảm chi phí và gia tăng tần suất khai thác, hoạt động của phương tiện vận tải nhằm tối đa hoá chi phí và gia tăng doanh thu.

Theo đó, với giá cạnh tranh, logo dễ nhận diện, hướng đến đối tượng hành khách đi taxi vẫy, Victory mong muốn sẽ tạo ra một sự đột phá, tăng sức cạnh tranh so với Uber, Grab. Tuy nhiên, thực tế lại không như họ kỳ vọng... 

Sở từ chối 

Chất lượng phục vụ và giá là hai yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp vận tải. Vì thế, trong hồ sơ kê khai giá cước vận chuyển hành khách gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (Sở GTVT), hãng taxi Victory đã hướng tới việc áp dụng giá cước linh hoạt. Cụ thể, mức giá giờ cao điểm được hãng này giữ ở con số 11.000 đ/km, mức giá giờ thấp điểm được giảm mạnh xuống còn 7.500 đ/km (từ 8h30 - 16h từ thứ 2 đến thứ 7).  

Theo đại diện của taxi Victory, hồ sơ kê khai giá này được lập ra sau khi hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định có trong Luật Giá, Nghị định 177 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và đặc biệt là Thông tư liên tịch số 152 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ của liên Bộ Tài chính - GTVT. 

Hồ sơ kê khai giá này sau đó đã được hãng taxi Victory gửi lên Sở GTVT Hà Nội để xem xét. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần làm việc, Phòng Kế hoạch Tài Chính sở trên đã từ chối với  lý do: “chưa có cơ chế quản lý mức giá thấp như vậy và không chấp nhận giá lũy tiến theo giờ”.  

Được biết, mức giá cước taxi hiện nay được tính bằng 50% km có khách cộng gộp với 50% km không có khách. Sở dĩ, doanh nghiệp có thể giảm giá mạnh vào giờ thấp điểm xuống còn 7.500 đ/km là vì họ muốn tăng số km có khách, giảm km không có khách. 

Thông tư liên tịch 152 cũng cho phép doanh nghiệp vận tải được quyền chủ động trong việc tính toán xây dựng giá cước trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí và được thị trường chấp nhận. Vì thế, tại Điều 3, kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô, Thông tư này quy định: “các đơn vị thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện theo giá kê khai”.  

Cạnh đó, việc kê khai giá lần đầu được thực hiện khi đơn vị bắt đầu tham gia kinh doanh hoặc lần đầu thực hiện kê khai giá. Thông tư cũng quy định, với doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi, việc kê khai theo hình thức tính giá cước km đầu (hoặc giá mở cửa), giá cước của từng cự ly hay km tiếp theo; giá cước theo chuyến; giá cước thời gian chờ đợi.

Căn cứ quy định hiện hành, giải pháp giảm giá theo kê khai của hãng taxi Victory là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Và đây là một giải pháp “thông minh” bởi không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho hãng vận tải mà người dân cũng được lợi rất nhiều. “Hãng taxi chúng tôi chỉ cần sự công bằng và cũng mong các cơ quan quản lý nhà nước hãy hỗ trợ, giúp đỡ cho hãng chúng tôi được sự công bằng như Uber, Grap đang được hưởng. Ví dụ đơn giản là linh hoạt giá cước theo giờ”, Giám đốc chiến lược taxi Victory đề nghị.  

Trong “cơn bão” của taxi công nghệ tác động tới thị trường taxi Việt Nam, tại nhiều cuộc hội thảo, các cơ quan chức năng cũng đều cho rằng, taxi truyền thống phải thay đổi bản thân mình theo hướng áp dụng công nghệ cao và xây dựng giá thành cạnh tranh để cứu mình. Tuy nhiên, một hãng taxi non trẻ khi muốn bắt tay vào đầu tư, “làm mới” mình để đủ sức cạnh tranh với taxi công nghệ, thì thực tế họ đã lại vấp phải rào cản lớn từ chính cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải. 

Tại sao không được linh hoạt giá như Uber, Grap?

“Hãng taxi chúng tôi chỉ cần sự công bằng và cũng mong các cơ quan quản lý nhà nước hãy hỗ trợ, giúp đỡ cho hãng chúng tôi được sự công bằng như Uber, Grap đang được hưởng. Ví dụ đơn giản là linh hoạt giá cước theo giờ”, bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc chiến lược taxi Victory

Đọc thêm