Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-II) thay thế cho START-I hết hạn vào tháng 12-2009, đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký ngày 8-4-2010 tại Praha, Cộng hòa Ceczh.
Theo quy định của START-II, cả hai nước chỉ duy trì kho vũ khí hạt nhân chiến lược của họ đến 1.550 đầu đạn hạt nhân trong vòng 7 năm tới, giảm 30% so với năm 2002, trong khi số lượng và các phương tiện để triển khai không được vượt quá 800 đơn vị. Theo đánh giá chung của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, các nhà quân sự đây là nỗ lực lớn nhằm làm giảm kho vũ khí hạt nhân, từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân như cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga-Mỹ ký START-II, theo quy định nó chỉ có hiệu lực nếu được Quốc hội của cả hai nước thông qua và Tổng thống ký ban hành. Trong khi đó, cả hai viện của Quốc hội Nga (tức Duma quốc gia) thông qua, thì phía Mỹ lại còn bỏ ngỏ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO mới đây ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo khối này cũng lên tiếng thúc giục Mỹ sớm phê chuẩn START-II, nhằm tạo ra cơ sở để thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong việc đấu tranh ngăn chặn việc phát triển hạt nhân không vì mục đích dân sự. Nga cũng lên tiếng cho rằng nếu Washington không thực hiện cam kết phê chuẩn START-II, thì Mosow hủy bỏ ngay lập tức và tái khởi động chương trình hạt nhân để tăng cường sức mạnh răn đe loại vũ khí chiến lược này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần lên tiếng hứa sẽ thúc đẩy Quốc hội nước này sớm xem xét thông qua START-II, nhưng do thất thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, tiếng nói của Đảng Dân chủ không đủ mạnh để có thể dễ dàng đưa Hiệp ước ra thảo luận. Gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết START-II sẽ được phê chuẩn trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.
Do áp lực từ trong nước, nhất là quốc tế, ngày 15-12 vừa qua, với 66 phiếu ủng hộ trên 32 phản đối, Thượng viện Mỹ đã thông qua tiến trình tranh luận để xem xét phê chuẩn START-II. Với tỷ lệ phiếu đó, theo các nhà quan sát, các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ có khả năng giành thêm 9 lá phiếu từ Đảng Cộng hòa đủ để có 67 phiếu cần thiết chính thức thông qua START-II.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry cũng lên tiếng hy vọng rằng START-II sẽ sớm được thông qua và kêu gọi các Thượng nghị sĩ không trì hoãn việc phê chuẩn.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs đã cáo buộc Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim DeMint tìm cách trì hoãn việc phê chuẩn bằng việc yêu cầu đọc từng trang của Hiệp ước tại Thượng viện và cho rằng không có đủ thời gian để xem xét vì có quá nhiều vấn đề phải bàn luận. Robert Gibbs bày tỏ: “Mỗi phút, START-II đang được đọc tại Thượng viện chỉ làm tăng thời gian mà chúng ta không xác minh được kho vũ khí hạt nhân của Nga mà thôi” và nhấn mạnh: “Đó là hành động đạo đức giả, bởi khi cho rằng không có đủ thời gian để xem xét hiệp ước này, trong khi lãng phí rất nhiều thời gian đọc to một tài liệu đã được trình lên Thượng viện một tháng trước đây”.
Các diễn biến đó cho thấy sự nôn nóng của Nhà Trắng về số phận của START-II . Nếu không hành động tương ứng với Nga thì sẽ bỏ qua cơ hội lớn, đẩy thế giới tới sự đối đầu về hạt nhân, mà trước hết là hai cường quốc Nga-Mỹ và tất yếu kéo theo nhiều hậu quả khôn lường khác.
Quả bóng về số phận của START-II đang nằm ở phía Mỹ và dư luận đang chờ xem các nghị sĩ bày tỏ thái độ như thế nào. Đây cũng là cuộc kiểm nghiệm về chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ do Tổng thống Barack Obama đứng đầu.
Nguyên Châu