Số phận một gia đình trí thức

Đâu là “thiên đường”? Đâu là “địa ngục”? Đó là điều băn khoăn của mọi kiếp người, trong đó có tầng lớp trí thức ở những giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Đâu là “thiên đường”? Đâu là “địa ngục”? Đó là điều băn khoăn của mọi kiếp người, trong đó có tầng lớp trí thức ở những giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Trong giai đoạn lịch sử 1930 - 1975, không ít trí thức rơi vào nghịch cảnh éo le. Trong tác phẩm “Biết đâu địa ngục thiên đường”, nhà văn Nguyễn Khắc Phê chủ yếu tái hiện lại số phận của những trí thức không may ấy. Một trong số họ là cụ Huy. Mọi biến cố trong gia đình cụ đều bắt nguồn từ số phận của cụ. Với việc đỗ Hội nguyên, cụ thuộc loại trí thức bậc cao lúc bấy giờ. Mộng làm quan để giúp dân tan vỡ khi cụ nhận ra cái nhục mất nước. Vì không theo lệnh đàn áp cao trào cách mạng ở Nghệ An, cụ bị điều vào Huế, ngồi chơi xơi nước. Dân chúng hiểu nhầm cụ vào Huế “leo cao để trị cách mạng” nên xông vào đập phá nhà cụ. Cụ Huy bị kẹt “giữa hai làn đạn”. Cách mạng xem cụ là tay sai của thực dân Pháp. Quan thầy Pháp thì nghi cụ “tay trong” của cách mạng. Cụ viện cớ sức khỏe suy giảm, xin về hưu.

Năm 1945, nghe lời kêu gọi đồng bào đoàn kết, không phân biệt giàu, nghèo, lương, giáo... của Hồ Chí Minh, cụ hết sức vui mừng. Cụ dự định đem hiến tất cả tài sản cho cách mạng. Thế mà một số cán bộ nhân danh cách mạng vẫn không tin tấm lòng thành thực của cụ. Phản ảnh số phận eo le của nhân vật, Nguyễn Khắc Phê không hề tỏ thái độ oán thù mà chủ yếu là chiêm nghiệm lẽ đời.

Số phận của cụ Huy đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhân vật Tâm (con trai cụ). Toàn bộ cuốn tiểu thuyết chủ yếu xoay quanh hồi ức và tâm trạng của Tâm. Vốn là giáo sư Triết, Tâm có quan điểm riêng của mình. Anh tin vào sự “ngẫu nhiên”, sự đưa đẩy của số phận. Tâm vốn nhút nhát, do dự, lại rất sợ cảnh “vợ bìu, con ríu”... nên thời tuổi trẻ anh đã theo nghiệp tu hành, vừa là lòng đam mê Thiên Chúa giáo, vừa là lối thoát của anh. Điều oái oăm là anh trốn theo nhà thờ đúng vào thời điểm bọn phản động xúi giục giáo dân ở một số vùng chống phá cách mạng. Vì vậy, người ta nghi cho anh là kẻ đào thoát “nguy hiểm”. Không chỉ mình anh chịu tiếng oan mà cả gia đình anh đều bị liên lụy. Nhưng, trong hoàn cảnh nào, anh vẫn tin mẹ sẽ hiểu anh “chẳng thể làm chi nên tội với đất nước”. Bởi vững tin như vậy nên anh đã mạnh dạn trở về gặp lại mẹ. Và anh thực sự xúc động khi được sống trong tình cảm nồng ấm của mẹ. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã dày công tìm hiểu những bước đường đời đầy éo le của nhân vật bí ẩn này, để rút ra bài học về việc nhìn nhận đánh giá một con người.

Cũng anh em một nhà nhưng Thanh gần như đối lập với Tâm. Nếu Tâm nhút nhát thì Thanh gan dạ, nếu Tâm chần chừ thì Thanh quyết đoán. Nhìn bề ngoài gia đình Thanh như một “thiên đường”: hai vợ chồng đều là quan chức Nhà nước, con gái đi du học. Nhưng mấy ai hiểu được nội tình của chị. Chị có thừa năng lực nhưng vì gia đình “có vấn đề” nên suốt đời phấn đấu, chị vẫn không được đề bạt vào chức vụ cao. Chị lại thường xuyên đi công tác xa, ít có thời gian chăm sóc chồng con, vì thế cái tổ ấm của chị đang có nguy cơ tan vỡ.

“Biết đâu địa ngục thiên đường” cũng là chiêm nghiệm từ cuộc đời bà cụ Huy. Cứ tưởng lấy vị quan đỗ đại khoa là vào chốn “thiên đường”. Ngờ đâu chốn “thiên đường” ấy phút chốc hóa thành “địa ngục”. Tất cả bi kịch của chồng con đều đổ lên đầu bà. Những trang tác giả viết về bà cụ Huy là những trang thấm đẫm nước mắt. Được gặp lại Tâm - đứa con “lạc đàn” nhưng “trong sạch” là niềm hạnh phúc muộn mằn mà cuộc đời ban tặng cho bà.

Là cuốn tiểu thuyết có ít nhiều yếu tố tự truyện, “Biết đâu địa ngục thiên đường” đã được Nguyễn Khắc Phê viết đầy tâm huyết và sinh động, đầy thận trọng và kỹ lưỡng.

Mai Văn Hoan

(*) “Biết đâu địa ngục thiên đường”, NXB Phụ nữ ấn hành tháng 1- 2010, là một trong số tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2009).

Đọc thêm