Sở TN&MT Phú Thọ xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

(PLVN) - Trong thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; toàn ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó khăn, tập trung thực hiện nhiệm vụ và triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực.
Đại hội Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đánh giá kết quả công tác quản lý về tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015 -2020 cho thấy kết quả tham mưu cũng như việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân đã nâng cao ý thức, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường; hoạt động của Ngành góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội của nhân dân.

Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tích trong công tác tham mưu, quản lý và khai thác tài nguyên môi trường trong nhiệm kỳ qua.
 Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tích trong công tác tham mưu, quản lý và khai thác tài nguyên môi trường trong nhiệm kỳ qua.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, ngành Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ xác xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác giai đoạn 2021 -2025 về quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau:

1. Công tác Quản lý nhà nước về đất đai: Tập trung triển khai thực hiện xác định, phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh, lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh, chỉ đạo lập quy hoạch và sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 -2030; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất; tăng cường công tác quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, lập hồ sơ thu hồi đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế, thu hồi quỹ đất công sau sắp xếp các cơ quan, tổ chức, lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Tập trung đẩy nhanh việc đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; chỉ đạo thực hiện cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính đảm bảo thường xuyên. Thực hiện các dự án điều tra, đánh giá đất đai; xây dựng giá đất cụ thể đảm bảo vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đồng thời khai có hiệu quả tiềm năng về đất đai; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức kinh tế.

2. Công tác Quản lý nhà nước về Môi trường: Rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về bảo vệ môi trường và các giải pháp triển khai có hiệu quả đảm bảo mục tiêu, yêu cầu về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”, từng bước thực hiện phân loại rác tại nguồn góp phần đẩy mạnh hoạt động tái chế, giảm chi phí xử lý rác thải. Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tập trung sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Tập trung hoạt động kiểm soát ô nhiễm, yêu cầu cơ sở phải hoàn thành lắp đặt, truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục đối với khí thải, nước thải để theo dõi, giám sát theo lộ trình của Chính phủ. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát chất lượng không khí và đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước. Rà soát, điều chỉnh Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 phù hợp với điều kiện thực tế, kiểm tra và thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.

3. Công tác Quản lý nhà nước về Khoáng sản và tài nguyên Nước: xây dựng kế hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước theo nguyên tắc bảo vệ và tiết kiệm nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trái phép. Tham mưu khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác nước dưới đất; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; đề xuất khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

4. Công tác Quản lý nhà nước về Đo đạc bản đồ - Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu: Tăng cường nâng cao chất lượng kiểm tra, thẩm định triển khai có hiệu quả các công trình, dự án, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quản lý tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tư liệu đo đạc, bản đồ tại địa phương. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Hoàn thiện các dự án của Hợp phần Ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Triển khai Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường,...

6. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện doanh nghiệp và người dân, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 vào quá trình giải quyết công việc.

7. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng văn hóa công sở, cơ quan văn hóa, tạo môi trường thân thiện cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp tốt với các sở, ngành để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững./.

Đọc thêm