"Sốc" với những "mẹ dâu" quá quắt

 Các cụ từng bảo: “Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Cùng với những bà mẹ chồng khó tính, ác nghiệt thì ngày nay không ít những nàng dâu tuy có học hành, kiến thức đầy mình mà trong cách sống, xử sự với gia đình nhà chồng lại vô cùng quá quắt cũng đang “lộ diện” không ít.

Các cụ từng bảo: “Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Cùng với những bà mẹ chồng khó tính, ác nghiệt thì ngày nay không ít những nàng dâu tuy có học hành, kiến thức đầy mình mà trong cách sống, xử sự với gia đình nhà chồng lại vô cùng quá quắt cũng đang “lộ diện” không ít.

Từ khủng bố tinh thần

“Úi dào, bà ý làm sao dám cãi, tớ sai gì bà ý cứ phải làm răm rắp! Mà tớ không bao giờ quát to đâu nhé, toàn ghé sát tai bà ý để rỉa róc thôi. Vì thế hàng xóm đâu biết, mà còn khen tớ là dâu thảo mới hay chứ”. Trang - với vẻ mặt hoan hỉ - “khoe thành tích”... bắt nạt mẹ chồng của mình với đám bạn.

Ảnh MH
Ảnh MH 

Vốn là con gái cưng trong gia đình khá giả ở Hà Nội, Trang luôn tự cho mình là tiểu thư ngay cả khi về nhà chồng. Nhà chồng Trang là gia đình công nhân nghèo, cậy có của hồi môn cũng như kiếm ra tiền, Trang luôn lên mặt, vênh váo. Khi sinh con gái đầu lòng, cậy thế phải kiêng cữ, Trang không bao giờ mó tay vào việc gì kể cả việc chăm sóc con. Tất tần tật, công việc nấu nướng, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, thay tã lót, tắm rửa, ẵm bế con, Trang đều “đùn đẩy” cho mẹ chồng. Cả ngày Trang chỉ biết mỗi việc cho con bú rồi đi... ngủ.

Vậy mà, Trang luôn miêng kêu mệt mỏi, kể lể vất vả với tất cả những người cô quen. Buổi đêm, con quấy khóc, Trang cũng bắt chồng và mẹ chồng trông bé vì cô “sợ thâm quầng mắt, ảnh hưởng tới nhan sắc”.

Không muốn mẹ chồng có thời gian rỗi để chơi với cháu, Trang nghĩ ra các việc không tên để “sai” mẹ chồng: Khi thì giặt cái chiếu, lúc lại phơi cái chăn. Mỗi lần bà Chung cưng nựng, nói chuyện với cháu là Trang lại giật phắt con bé sang phía mình vì sợ bà làm... ngã cháu.

Việc “con mọn” không tên lại thêm bệnh tim khiến bà ngày càng héo mòn. Bà muốn nghỉ ngơi một buổi mà Trang nào có cho. Lúc Trang viện cớ phải đi có việc gấp, lúc lại bảo rằng phải đi sinh nhật, tiệc tùng. Con cái Trang giao phó cho bà.

Nhiều lúc bà đề nghị con dâu có điều kiện về kinh tế nên tìm người giúp việc trông con để bà có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già thì Trang nguýt dài: “Con có thừa tiền thuê giúp việc, bà ở nhà làm gì mà không bế cháu. Có ai sướng như bà không mà bà kêu mệt với khổ?!!”. Mỗi lần như vậy, nước mắt bà chảy vào trong, gạt nỗi buồn tủi, chăm cháu sớm khôn lớn.

Biết “thóp” mẹ chồng thương con xót cháu, Trang ngày càng quá quắt. Trang cố tình phớt lờ mình đang là phận con dâu mà tự cho mình cái quyền như... “mẹ” dâu. Trong mắt cô, bà Chung chỉ là người... để sai vặt không hơn không kém,  chẳng coi mẹ chồng ra gì. Có lần bà Chung sơ ý để cháu chơi bẩn ở nền nhà, Trang hét toáng lên rồi quát mẹ chồng: “Giời ơi, mỗi việc trông cháu bà trông không xong thì còn làm việc gì nữa”.

 Bà Chung nhiều lần góp ý với cách ăn nói và đối xử với bà nhưng Trang bỏ ngoài tai, còn ghé sát vào tai bà rỉa róc: “Bà có tuổi rồi, hâm hấp, khó tính vừa chứ!”.

Hôm bà ốm, không thiết ăn cơm, Trang chẳng những không hỏi thăm sức khỏe, chăm sóc bà mà còn móc máy “đã nghèo khổ lại còn lắm chuyện”. Nhiều lúc muốn tâm sự với con trai nhưng bà Chung lại thôi bởi bà biết, con trai rất thương mẹ, nếu biết việc này vợ chồng lại cãi vã, căng thẳng, mâu thuẫn. Bà đành nuốt nước mắt...

... đến bòn rút vật chất

Một trong những “tiêu chí vàng” của các cô gái thời nay khi chọn chồng phải là “nhà mặt phố, bố làm to”, để rồi khi trở thành con cái trong nhà, họ tìm cách sang tên tài sản. Người chồng khi có những cô vợ đầy toan tính đó thì thường bị kéo vào cuộc, tham gia quá trình “thâu tóm” quyền lực, tài sản của bố mẹ mình. Ở những gia đình có điều kiện kinh tế trung bình, họ áp dụng chiêu thức “con có khóc, mẹ mới cho bú”.

Lúc thì trả nợ, lúc thiếu tiền đổi xe... những đồng tiền từ cái hầu bao còm cõi của cha mẹ già cứ thế ra đi. Có hàng trăm lý do để những nàng dâu kiểu này thoái thác nghĩa vụ gia đình, không ít người, khi con bé muốn bố mẹ trông cháu thì còn vồ vập, hỏi han nhưng khi con lớn rồi thì bố mẹ chồng trở thành người thừa. Lúc ấy, việc đẩy “người thừa” ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt là mục đích của các nàng dâu “mưu mẹo, quá quắt”.

Để “thành công”, nhiều nàng dâu đã sử dụng kế ly gián. Với chiêu này, con cái - thậm chí cả chồng - cũng trở thành “vũ khí” trong cuộc đối đầu với bố mẹ chồng. Chính họ đã trở thành rào cản, ngăn chặn và làm sứt mẻ mối quan hệ huyết thống bên nhà chồng.

Chị Thanh (phố Hàng Bông) sinh được một thằng cu khôi ngô, bụ bẫm, là đích tôn của dòng họ Trần. Biết lợi thế của mình, chị khéo léo gợi ý chồng thuyết phục ông bà nội để lại cho cháu ngôi nhà ba tầng ở mặt phố Láng Hạ - mặc dù vợ chồng chị đã được bố mẹ chồng cho ngôi nhà trên phố cổ Hàng Bông. Ông bà kiên quyết từ chối vì đó là ngôi nhà ông bà cho thuê để lấy tiền dưỡng già.

Thuyết phục không được, chị chuyển sang dùng “chiến tranh lạnh” và thi hành “chính sách cấm vận”. Chị thẳng thừng tuyệt giao, không cho con đến thăm ông bà nội. Anh đi làm về, ghé vào thăm bố mẹ, chị biết chuyện liền chì chiết, than vãn, khóc lóc “kêu nghèo, kể khổ”: “Anh sang đó làm gì, bố mẹ anh có coi anh là con trai trưởng không. Anh chẳng cần phải có trách nhiệm gì hết, ông bà có tiền thuê nhà rồi. Ăn chẳng hết của!”.  Với lối suy nghĩ ấy, mâu thuẫn giữa chị Thanh và bố mẹ chồng ngày càng khoét sâu.

Chẳng muốn không khí gia đình căng thẳng, bố mẹ chồng của chị Thanh đành nhượng bộ sang quyền sở hữu ngôi nhà ba tầng đó cho vợ chồng chị. Được 1 năm chung sống, chị Thanh lập tức tìm mọi cách đưa ông bà đi ở... viện dưỡng lão!

... Những nàng dâu khôn ngoan, hiểu biết không bao giờ biến tổ ấm của mình trở thành “đấu trường” với những cuộc chiến ngấm ngầm giữa nàng dâu với mẹ chồng. Bởi sự ích kỷ, toan tính đến mức quá quắt của nàng dâu đầy mưu mẹo là những nguyên nhân gây nên mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng.

 Lối ứng xử của người vợ, người mẹ hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con cái. “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, chính các nàng dâu chứ không phải ai khác sẽ phải gánh chịu sự thờ ơ, toan tính, vô cảm... của con cái như chính họ đã từng đối xử với bố mẹ chồng. E rằng, đến lúc đó, mọi sự hối hận lại đều là quá muộn.

Thùy Dương

Đọc thêm