Sớm bốc thuốc hạ nhiệt tỉ giá

Chúng ta đã gắn quá nhiều vào USD. Trong thanh toán xuất nhập khẩu mọi thứ dồn vào USD, trong khi thế giới đã dùng nhiều đồng tiền khác để thanh toán.

Sớm bốc thuốc hạ nhiệt tỉ giá ảnh 1
 

Chúng ta đã gắn quá nhiều vào USD. Trong thanh toán xuất nhập khẩu mọi thứ dồn vào USD, trong khi thế giới đã dùng nhiều đồng tiền khác để thanh toán.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng (NH) Nhà nước cần sớm áp dụng biện pháp kỹ thuật để hạ nhiệt tỉ giá vì đợt điều chỉnh vừa qua không phải là “giải pháp cả gói” để khai thông thị trường ngoại hối.

Ông Thơ nói:

- Sẽ sai lầm nếu cho là tăng tỉ giá liên NH 9,3%, mức kỷ lục, đã đáp ứng được kỳ vọng của người găm giữ USD, họ sẽ bán ra mà NH Nhà nước không cần áp dụng thêm giải pháp hỗ trợ nào khác. Mức tăng 9,3% là mạnh nhưng cũng chỉ là “mấy con chim én” mà không có “hải, lục, không quân” hỗ trợ, hậu quả là tỉ giá vẫn tăng, vẫn tái diễn nạn hai tỉ giá.

* Vì sao ông cho rằng có thể bình ổn tỉ giá nếu có giải pháp kỹ thuật?

- Nếu cho rằng áp lực tăng tỉ giá là do các yếu tố vĩ mô như nhập siêu, bội chi ngân sách... thì để ổn định tỉ giá phải gắn liền với ổn định vĩ mô. Nhưng việc này không thể trong một vài tháng mà mất cả năm, thậm chí vài năm.

Vậy thời gian để ổn định vĩ mô kéo dài thì tỉ giá sẽ ra sao? Thực tế ở các nước cũng như tại VN cho thấy có thể làm dịu đà tăng tỉ giá, khôi phục lòng tin bằng các biện pháp kỹ thuật.

* Giải pháp kỹ thuật là gì, có quá mới và phức tạp?

- Áp lực tăng tỉ giá, ngoài vĩ mô còn có nguyên nhân quan trọng là người có USD luôn kỳ vọng giá sẽ tăng. Tỉ giá như nồi áp suất mà mọi người nắm giữ USD luôn muốn mở thêm gas, với hi vọng tỉ giá sẽ tăng lên. Nếu cứ bịt nồi áp suất bằng trần tỉ giá do NH Nhà nước quy định thì lúc nào đó nồi áp suất sẽ nổ, phải điều chỉnh tỉ giá.

Vì thế, một mặt phải đậy nắp nồi áp suất thật kín (giữ trần tỉ giá) nhưng cũng cần thêm van xả để xì hơi bớt, tránh nồi áp suất bị nổ. Van xả là nghiệp vụ mà giới NH gọi là mua/bán USD qua ngoại tệ thứ ba (EUR, yen...), mua/bán ngoại tệ có kỳ hạn, quyền chọn tiền tệ.

Với các giao dịch này thoạt nhìn tưởng là trần/sàn tỉ giá có thể bị phá do tỉ giá giao dịch cao (hoặc thấp) hơn biên độ quy định của NH Nhà nước. Mức chênh lệch cao hoặc thấp đó phản ánh kỳ vọng tỉ giá tương lai mà thị trường hướng đến thông qua chênh lệch lãi suất giữa VND với các ngoại tệ khác.

Trong khi đó trần tỉ giá mà NH Nhà nước công bố vẫn được giữ, do sức ép đã được chia sang các ngoại tệ khác. Các nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ này đã được áp dụng ở nhiều nước và tại VN nhưng sau này NH Nhà nước không cho thực hiện.

* Giữa việc cho áp dụng nghiệp vụ mới về mua bán ngoại tệ với việc mua bán có thu phí có gì khác nhau khi cả hai đều là giá cao?

- Như tôi vừa nói, các giao dịch qua ngoại tệ thứ ba hoặc mua bán có kỳ hạn vừa chia sức ép sang các ngoại tệ khác vừa phản ánh suy nghĩ của thị trường về hướng đi của tỉ giá trong tương lai.

Chẳng hạn đợt điều chỉnh tỉ giá 9,3% vừa rồi đâu làm giới kinh doanh bất ngờ vì họ đã tiên liệu mức tỉ giá mới dựa trên chênh lệch lãi suất hoặc lạm phát giữa VND và USD từ mấy tháng trước đó.

Bản chất của các giao dịch này khác hẳn với tình trạng thu phí USD không dựa trên cơ sở nào. Khi được cho mua/bán ngoại tệ giá cao hợp pháp, nhiều người bán, ngược lại sẽ có ít người mua vì họ hiểu rằng nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào hơn. Thị trường được khai thông, cung - cầu thị trường sẽ gần nhau để đi dần về tỉ giá do NH Nhà nước quy định. Hiện nay không có van xả áp, ai cũng nghĩ giá còn tăng nên găm giữ, thị trường bị đóng băng...

* Còn vai trò NH Nhà nước, về nguyên tắc, nơi này phải điều tiết thị trường nhưng lần điều chỉnh tỉ giá mới đây không còn thấy NH Nhà nước nói sẽ can thiệp thị trường?

- Chúng ta không thể dùng dự trữ ngoại hối quốc gia để bán can thiệp thị trường mãi. Nhưng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn thị trường tăng tự phát. Điều quan trọng là phải biết cách “lấy nó nuôi nó”, vừa điều hòa để ổn định thị trường mà vẫn bảo toàn được lực lượng, thậm chí tăng dự trữ ngoại hối. Thay vì gửi ngoại tệ ở nước ngoài với lãi suất thấp, NH Nhà nước nên lấy về cho NH vay và NH cho doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ vay lại với lãi suất thấp. Đổi lại, doanh nghiệp phải bán ngoại tệ này cho NH Nhà nước. Như vậy, dự trữ ngoại tệ không bị suy giảm, thị trường được bổ sung ngoại tệ. Khi thị trường được khai thông, người có ngoại tệ thôi găm giữ, NH Nhà nước mua lại để tăng dự trữ ngoại hối.

Theo quy định, trạng thái ngoại hối tương đương 30% vốn chủ sở hữu của NH. Ví dụ NH có vốn 10.000 tỉ đồng họ có thể giữ số ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng (trên 140 triệu USD), NH có vốn 5.000 tỉ đồng được giữ 1.500 tỉ đồng (trên 70 triệu USD)... NH giữ nhiều hơn 30% sẽ bị phạt.

Để tăng thêm ngoại tệ cho thị trường, có thể NH Nhà nước điều chỉnh tỉ lệ trạng thái ngoại hối xuống thấp hơn, NH được giữ ít ngoại tệ hơn, những NH vượt mức quy định mới điều chỉnh sẽ phải bán ra.

* Nhiều người đặt câu hỏi vì sao nền kinh tế luôn phải chịu áp lực tỉ giá VND/USD mà không phải là ngoại tệ khác, theo ông, thoát ra như thế nào?

- Chúng ta đã gắn quá nhiều vào USD, tình trạng đôla hóa ngày càng trầm trọng. Trong thanh toán xuất nhập khẩu cũng thế, mọi thứ dồn vào USD, trong khi thế giới đã dùng nhiều đồng tiền khác để thanh toán.

Theo tôi, Nhà nước cần xử lý vấn đề này thông qua giao dịch gần giống như hoán đổi tiền tệ có điều kiện từ USD hoặc các ngoại tệ khác sang VND, trước mắt có thể thực hiện ngay cho các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Các bộ ngành đàm phán với chính phủ nước xuất khẩu hàng vào VN để tập đoàn nhà nước nhập hàng từ các nước này chấp nhận thanh toán bằng VND. Sau đó họ dùng VND đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc bất động sản tại VN.

Để làm được việc này, chúng ta cần ổn định tỉ giá và khi cần họ sẽ được chuyển đổi sang các loại ngoại tệ khác. Về mặt kinh tế, nếu giữ ổn định được tỉ giá thì những nước nắm giữ VND sẽ có lợi bởi lãi suất VND hiện nay rất cao. Tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được giải pháp này nếu có sự đàm phán ban đầu của Nhà nước vì thực tế một số nước, khu vực đã triển khai các giao dịch dạng này.

Theo Thanh Tuyền
Tuổi trẻ

Đọc thêm